Mỗi con nước, hộ dân thu về khoảng 6 triệu đồng. Dù biết đây là hoạt động gây ảnh hưởng đến giao thông, đến nguồn lợi thủy sản, bị cấm hoạt động, nhưng nhiều hộ dân vẫn làm.
Nghề đăng cá kèo giống tại khu vực các cửa sông, cửa biển ở huyện Ngọc Hiển tồn tại rất lâu, thường mùa vụ chính kéo dài từ tháng 4 - 7 (âm lịch).
Nghề đăng cá kèo giống không đòi hỏi chi phí cao, chỉ cần chiếc xuồng máy với vài miệng đáy là đã có thể kiếm vài triệu đồng sau mỗi con nước khai thác. Mặt khác, cá kèo giống có giá trị khá cao, 1 ly cá kèo giống được thương lái thu mua giá từ 300 - 350 ngàn đồng/ly, mỗi ngày hộ làm nhiều trên 10 ly, hộ làm ít khoảng 6 ly.
Khi con nước bắt đầu lớn, anh Phạm Vũ Linh (ấp Kinh Năm, xã Viên An) tất bật lấy lưới và dụng cụ để đăng cá kèo giống. Anh Linh là hộ khó khăn, lại không có vốn nhiều nên anh chỉ mua được vài miếng lưới mành, kết thành miệng đáy để đăng cá kèo giống giúp gia đình có thêm thu nhập trang trải chi phí hàng ngày.
|
Chỉ cần vài triệu đồng là đã có thể hành nghề đăng cua, cá kèo giống. |
Đối với những hộ dân sinh sống gần khu vực cửa sông, nghề khai thác cá kèo giống cũng khá bấp bênh. Bởi nghề này không cho phép hoạt động lại ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, nhưng vì mưu sinh nên nhiều người dân vẫn khai thác khi đến mùa. Và nếu không đăng cá kèo giống thì người dân nghèo nơi đây chẳng biết làm nghề gì, khi mỗi nguồn lực đều không có.
Khi chúng tôi hỏi hoạt động nghề này có ảnh hưởng giao thông và bị ngành chức năng không cho phép hoạt động không; câu trả lời là có. Nhưng vấn đề trăn trở của họ là luôn muốn thoát khỏi cảnh thức khuya, dậy sớm, gian nan, hiểm nguy, nhưng lực bất tòng tâm, họ phải bám với nghề này để sinh sống qua ngày.
Qua tìm hiểu cho thấy, phần lớn những người khai thác cá kèo giống thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất lại không nghề nghiệp ổn định, chủ yếu sống dựa vào khai thác giống thủy sản gần khu vực mé sông, ven biển.
Vì vậy muốn chấm dứt tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ thì các ngành chức năng cần có biện pháp lâu dài để người dân có nơi sản xuất và nghề nghiệp ổn định, tạo kế sinh nhai.
Theo Chí Hiều-Hồng My (Báo Cà Mau)