Điều chỉnh 18 lần từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng bao nhiêu?

Google News

Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá. Theo dự đoán của các chuyên gia, trong kỳ điều chỉnh giá 21/7 tới đây, giá xăng có thể tiếp tục giảm.

Ngày 18/7, giá bán lẻ xăng dầu trong nước phổ biến như sau: xăng E5 RON 92 không quá 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.675 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không quá 26.345 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.712 đồng/kg.
Cùng thời điểm 18/7/2021, giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.610 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 21.783 đồng/lít. Có thể thấy, so với 1 năm trước, mức giá xăng dầu đều đã tăng lên từ 34 - 37%.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá; trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm, với lần giảm giá mạnh nhất là hơn 3.000 đồng/lít.
Dieu chinh 18 lan tu dau nam den nay, gia xang tang bao nhieu?
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã qua 18 kỳ điều chỉnh (Ảnh minh họa) 
Dù đã qua 2 kỳ giảm giá liên tiếp, so với thời điểm tháng 1/2022, xăng E5 RON 92 đã tăng thêm 4.638 đồng/lít, xăng RON 95 tăng thêm 5.805 đống/lít.
Theo đó, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng hiện nay phải gánh hơn 40% thuế và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON 95, xăng sinh học E5 RON 92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 300 đồng - 1.000 đồng/lít (sau khi được giảm kịch sàn từ 11/7 năm nay). Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm từ 5-8%.
Trên thế giới, sáng 18/7, cả hai loại dầu tiếp tục lao dốc, dầu WTI của Mỹ mất hơn 1,7 USD về 95,8 USD/thùng; dầu Brent chuẩn toàn cầu cũng về 99,5 USD/thùng. Kết thúc phiên cuối tuần ngày 15.7, dầu tăng 2,5% sau khi một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng sản lượng dầu của Ả Rập Xê Út không thể tăng ngay lập tức như kỳ vọng. Tuy nhiên, những phiên chuyển mình leo dốc của giá dầu vào phiên giao dịch cuối của tuần đã không kéo được giá dầu của cả tuần tăng. Tuần qua, dầu Brent và WTI đã có thêm một tuần giảm, với Brent mất 5,5%, WTI giảm 6,9%.
Theo TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính, việc thị trường đang lo ngại suy thoái kinh tế xảy ra trên toàn cầu đã đẩy giá dầu hạ nhiệt bất chấp nguồn cung vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan nào. Lo ngại về suy thoái đã đè nặng lên thị trường trong hai tuần qua nhưng nguồn cung vẫn thắt chặt kéo dài nên đã ngăn giá giảm mạnh hơn.
Diễn biến này khiến thị trường giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm trong kỳ điều hành tới đây vào ngày 21/7.
Minh Châu

>> xem thêm

Bình luận(0)