Bốn năm qua, Kuwait - một trong những quốc gia giàu có và sở hữu nhiều dầu mỏ nhất thế giới - đang phải vật lộn để có tiền chi trả các hoạt động khi giá năng lượng giảm mạnh, đặt ra câu hỏi lớn về cách điều hành của các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.
Khi cựu Bộ trưởng Tài chính Kuwait Anas Al-Saleh cảnh báo vào năm 2016 rằng đã đến lúc phải cắt giảm chi tiêu và chuẩn bị cho một cuộc sống sau dầu mỏ, ông đã bị một người dân chế giễu.
Sự bất đồng giữa quốc hội được bầu và chính phủ với thủ tướng do tiểu vương bổ nhiệm đã dẫn đến bế tắc chính sách (Nguồn: Bloomberg)
“Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thức dậy và nhận ra rằng chúng ta đã tiêu hết số tiền sở hữu, không phải vì chúng ta không kiểm tra bảng sao kê ngân hàng của mình mà vì chúng ta đã xem nó và nói, ‘có lẽ đó là sự cố ngân hàng’, và sau đó vẫn mua một chiếc Rolex mới nhất”, Fawaz Al-Sirri, người đứng đầu công ty truyền thông tài chính và chính trị Bensirri cho biết.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã hồi sinh dầu thô từ mức giảm lịch sử trong năm nay, nhưng 40 USD/thùng vẫn là mức giá quá thấp. Đại dịch Covid-19 và sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo có nguy cơ khiến giá cả giảm xuống khó kiểm soát.
Tuy nhiên, ở Kuwait, sự bất đồng giữa quốc hội được bầu và chính phủ với thủ tướng do tiểu vương bổ nhiệm đã dẫn đến bế tắc chính sách. Các nhà lập pháp đã ngăn cản kế hoạch phân bổ lại các khoản tài trợ của nhà nước và chặn các đề xuất phát hành nợ.
Trong khi đó, chính phủ đã gần như cạn kiệt tài sản thanh khoản, khiến không thể bù đắp thâm hụt ngân sách dự kiến lên tới gần 46 tỷ USD trong năm nay.
Sự bế tắc đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Vào tháng 3, S&P Global Ratings đã đưa xếp hạng chủ quyền của Kuwait vào mức tiêu cực.
Al-Sirri cho biết: “Hệ thống niềm tin duy trì trong tư duy người dân ở Kuwait là họ giàu có đến vô tận. Không nhà lãnh đạo chính trị nào đủ dũng cảm để nói với người dân Kuwait rằng chính phủ sẽ sớm kết thúc nếu không ủng hộ sự thay đổi."