Ngày 24/11, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Tổng cục Thuế đã nắm được thông tin các cá nhân và tổ chức có tên trong Hồ sơ Paradise do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa công bố.
Cơ quan này sẽ tiến hành rà soát về nghĩa vụ thuế đối với các cá nhân và tổ chức này.
Ông Trí nói rõ, các bước xử lý các đại gia Việt sẽ tương tự như với vụ Hồ sơ Panama trước đây như đối chiếu các dữ liệu của ngành thuế xem các cá nhân và tổ chức Việt Nam mà hồ sơ này nêu tên có đăng ký kinh doanh ở Việt Nam hay không, có thuộc đối tượng kê khai và nộp thuế hay không.
Nếu các doanh nghiệp này đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, ngành thuế sẽ rà soát các thông tin liên quan.
"Cơ quan thuế sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý nếu có phát hiện sai phạm, tuy nhiên, việc này là vô cùng khó khăn, cần tới sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Tới thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định các tên tuổi được công bố trong Hồ sơ Paradise là có hành vi trốn thuế hay không, việc này cơ quan thuế sẽ làm việc và sẽ có thông báo chính thức khi có kết quả", ông Trí cho biết.
|
Ảnh minh họa. |
Cũng như Hồ sơ Panama, Hồ sơ Paradise vừa cho biết có nhiều cái tên là tổ chức, cá nhân Việt Nam được công bố.
Cụ thể, Paradise tiết lộ có 20 địa chỉ liên quan đến Việt Nam. Trong đó có nhiều cái đại gia nổi tiếng tại Việt Nam, như ông Don Di Lam – Giám đốc điều hành của Tập đoàn VinaCapital, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital và ông Louis T. Nguyễn - Giám đốc Quỹ đầu tư Saigon Asset Management...
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Hồ sơ Paradise chứa số tài liệu khổng lồ về những người được cho là có hoạt động tài chính tại nước ngoài. Theo ông Thịnh, Paradise dù không khẳng định những người nằm trong danh sách là có hành vi trốn thuế hay có những sai phạm liên quan tới thuế, tuy nhiên, người ta đều ngầm hiểu rằng, có liên quan tới Paradise là có liên quan tới những hành vi trốn thuế, hoặc liên quan tới thuế tại nhiều quốc gia khác nhau.
"Có hai vấn đề cần phải quan tâm. Thứ nhất, những cá nhân, công ty, tổ chức mở tài khoản tại nước ngoài nhằm phục vụ mục đích mở rộng kinh doanh, gìn giữ, bảo tồn tài sản của mình thì đó là hoạt động bình thường và hoàn toàn hợp pháp.
Thứ hai, đối một số cá nhân, tổ chức mở tài khoản tại nước ngoài nhằm mục đích trốn thuế, hoặc có hành vi rửa tiền, chuyển hóa tài sản bất minh vào các tài khoản mở tại nước ngoài. Với những trường hợp này, nghĩa là các thực thể trên đã có hành vi trốn thuế, vi phạm luật pháp của nước sở tại.
Như vậy, ở đây có mấy khả năng. Một là, các cá nhân, tổ chức, công ty làm ăn, kinh doanh nhưng muốn mở tài khoản tại nước ngoài để chuyển hóa lợi nhuận từ trong nước ra nước ngoài nhằm trốn thuế, né thuế.
Hai là, mở tài khoản tại nước ngoài để phục vụ mục đích chuyển hóa các tài sản bất minh có được từ buôn gian, bán lậu, hoặc tài sản có được từ tham nhũng ra nước ngoài. Đây là hành vi rửa tiền, biến đồng tiền "bẩn" thành đồng tiền sạch, tránh bị truy thu hoặc bị điều tra, xử lý tại các quốc gia sở tại.
Phải khẳng định, khi các đại gia, công ty, tổ chức có tên trong danh sách Paradise không có nghĩa tất cả đều có sai phạm và đều vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đó cũng là một nguồn thông tin để cơ quan chức năng phía Việt Nam điều tra, xem xét và xử lý nếu phát hiện có những sai phạm", ông Thịnh nói rõ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc xác định các hoạt động của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên có sai phạm hay không rất đơn giản.
"Về phía cơ quan thuế chỉ việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tự chứng minh sự trong sạch của mình bằng cách chưng ra các bằng chứng khẳng định nguồn gốc tài sản của họ là hợp pháp và các giao dịch mở tại nước ngoài là bình thường. Việc này chỉ mất thời gian nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được", ông Thịnh gợi ý.