Nhì Phương là tên gọi của Đỗ Hữu Phương (1841 - 1914), người gốc Hoa. Cha Đỗ Hữu Phương là Bá Hộ Khiêm - địa chủ Nam Kỳ thời bấy giờ.
Làm giàu từ con đường quan lộ
Ngậm thìa vàng ngay từ khi sinh ra, ông Hữu Phương có trong tay cả một cơ ngơi và cùng gia đình cai quản cai quản bất động sản của cả một vùng rộng lớn về phía bắc thành phố Sài Gòn.
Nhờ gia đình có điều kiện, Đỗ Hữu Phương được đi học ngoại ngữ từ nhỏ. Ông giỏi tiếng Pháp và tiếng Hán. Tuy nhiên, thay vì buôn bán như cha mẹ và cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn, Đỗ Hữu Phương lựa chọn cho mình con đường làm quan.
|
Chân dung ông Đỗ Hữu Phương. Ảnh: Dân trí |
Khi Pháp chiếm đồn Kỳ Hòa (1861), lúc này Đỗ Hữu Phương chỉ mới 20 tuổi nhưng đã ôm mộng làm quan. Nhờ một người quen là Cai tổng Đỗ Kiến Phước, Đỗ Hữu Phương được giới thiệu với Tham biện hạt Chợ Lớn là Francis Garnier (Garnier chính là viên đại úy Pháp sau này tổ chức tấn công và chiếm thành Hà Nội)
Thấy Phương biết tiếng Pháp lại có gia thế giàu có, Garnier bổ nhiệm Đỗ Hữu Phương làm chức Hộ trưởng (khi đó khu vực Chợ Lớn được chia địa giới làm 20 hộ). Từ đó Đỗ Hữu Phương trở thành viên chức làm việc cho Pháp.
Nhờ trình độ học vấn và khả năng giao tiếp khéo léo, Đỗ Hữu Phương chiếm được cảm tình với giới chính quyền Pháp và các thương gia người Hoa. Từ năm 1872, Đỗ Hữu Phương được chỉ định làm ủy viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn, rồi trở thành phụ tá Xã Tây Chợ Lớn. Phương cũng được Pháp thưởng Tam đẳng bội tinh, triều đình Huế thì phong Đỗ Hữu Phương thành Tổng đốc và được ban thưởng tới 2.223 mẫu ruộng.
Thuê hàng chục người về để đếm tiền
Trong thời gian làm quan chức tại Sài Gòn, Đỗ Hữu Phương được coi là trung gian môi giới cho giới thương gia người Hoa quan hệ với chính quyền Pháp. Việc ra tay cứu giúp Thủ Khoa Huân khiến một số lực lượng khởi nghĩa yêu mến Đỗ Hữu Phương (trong đó có rất nhiều tá điền, những người làm công trên ruộng đất của Đỗ Hữu Phương). Nhờ các mối quan hệ này, Đỗ Hữu Phương giàu lên nhanh chóng.
Theo sử cũ ghi lại, Đỗ Hữu Phương chỉ lo quan hệ với bên ngoài, còn việc làm ăn trong nhà ông giao hết cho vợ. Vợ Đỗ Hữu Phương là con của một quan triều Nguyễn gốc Quảng Nam nên cũng có điều kiện học hành.
Vợ Đỗ Hữu Phương không sống theo kiểu đài các như nhiều phu nhân giàu có khác. Bà biết thu vén để đem thêm tiền bạc về cho gia đình.
|
Dinh cơ một thời của Tổng đốc Phương. Ảnh: tư liệu |
Với hệ thống mua bán kinh doanh lên đến hàng nghìn cơ sở, bà lo việc kết nối các tiểu thương, xây dựng hệ thống buôn bán riêng biệt. Ruộng đất cho các tá điền thuê lại và đích thân bà quản lý về tô thuế. Thóc lúa thu về nhiều, nhờ các mối quan hệ, gia đình Đỗ Hữu Phương chi phối được một phần giao dịch thông thương tại các bến cảng Sài Gòn để bán lúa giá cao.
Về độ giàu có của vợ chồng phú hộ Phương, sử cũ kể rằng, gia đình có riêng một đội đếm tiền hơn chục người được sắp xếp bí mật trong căn phòng phía sau nhà. Những người này ăn ngủ tại chỗ chỉ để đếm tiền. Số tiền được bó buộc chặt rồi cất vào căn phòng kín kiên cố và khóa nhiều lớp. Chùm chìa khóa của căn phòng chỉ có vợ ông Phương được giữ và nó gần như là vật bất ly thân đối với bà.
Chồng làm quan, xây dựng các mối quan hệ còn vợ đứng sau, nhờ các quan hệ này để làm giàu có lẽ là mô hình mới mẻ thời đó. Thế nhưng, mô hình này đã giúp cho gia đình Đỗ Hữu Phương vươn lên đứng thứ Nhì trong tứ đại phú hào miền Nam ngày đó. Người ta đồn rằng, nếu một người ngồi đến tiền của nhà ông Đỗ Hữu Phương thì đếm cả đời cũng không hết tiền.