Hàng loạt đại gia bán lẻ như 7-Eleven, Vinmart+, Satrafoods… đã đưa các mặt hàng vốn lâu nay thường chỉ bán ở các xe đẩy dọc đường hay quán ăn đường phố vào hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Xu hướng cạnh tranh mới này đang lan tỏa nhanh và phát triển ngày càng rộng khắp, tạo thêm sức sống cho thị trường, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng thận trọng hơn khi mua sắm tại quán ăn vỉa hè.
Cạnh tranh bằng trứng cút, xúc xích, bò bía...
Mỗi khi đến giờ tan học, tại tầng một cửa hàng Satrafoods (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn) ở quận 10, TP.HCM lại xôm tụ hơn bình thường khi từng nhóm học sinh của Trường Tiểu học Trần Nhân Tôn kéo nhau vào ăn uống, mua hàng. Các em túm tụm lại mua xúc xích, trà sữa, cơm chiên Dương Châu, bò bía.
“Giá các loại thức ăn ở đây dao động 5.000-30.000 đồng/phần. Mức giá này khá mềm, phù hợp với túi tiền của học sinh như tụi em. Hơn nữa, tụi em có thể tự mình hâm nóng lại thức ăn trong lò vi sóng đặt sẵn ở đây rất thuận tiện” - một học sinh tự xưng tên Trang giải thích tại sao mình và nhóm bạn vào đây ăn uống.
Lý giải về việc đưa món ăn đường phố vào hệ thống cửa hàng tiện ích, đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho hay nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ khi thị trường mở cửa, cạnh tranh về bán lẻ ngày càng quyết liệt. Đồng thời nhằm mang đến cho khách hàng thực đơn phong phú, đáp ứng được nhu cầu cho nhiều đối tượng, đặc biệt là tầng lớp trẻ.
“Đây không chỉ thuần túy là chuỗi cửa hàng tiện lợi nữa mà còn là ăn nhanh, cung cấp những bữa ăn tiện ích… Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình này” - đại diện Satra nhấn mạnh.
|
Các món ăn vặt rất được người Việt ưa chuộng. Trong ảnh: Khách hàng đang tự tay hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng có sẵn ở cửa hàng tiện lợi. Ảnh: TÚ UYÊN |
Khảo sát thực tế cho thấy xu hướng phát triển danh mục sản phẩm đa dạng, đồ ăn tươi ngon và trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho người tiêu dùng đang phát triển mạnh ở các cửa hàng tiện lợi. Tại cửa hàng tiện lợi Vinmart+ (thuộc Tập đoàn Vingroup) tọa lạc tại quận Tân Bình, TP.HCM, chị Lê Ngọc Nga, nhân viên văn phòng đang mua các món ăn vặt như chè, bánh ngọt, bánh tráng trộn. Chị Nga chia sẻ trước đây thường tạt vào mấy quán ven đường để mua đồ ăn vặt nhưng từ khi biết Vinamart+ gần nhà cũng bán những món ăn hè phố thì chị thường mua ở đây vừa tiện lợi vừa an toàn.
Chị Nga so sánh: “Giá chè hoa câu bán tại cửa hàng tiện lợi 8.000 đồng, bánh su kem sáu cái 19.500 đồng. Nếu so với quán ăn lề đường thì giá bán ở cửa hàng tiện ích cao hơn nhưng sạch sẽ, có thông tin nhà cung cấp, có hạn sử dụng, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm… nên yên tâm hơn khi mua tại các xe đẩy hay chợ”.
Ngay cả đại gia bán lẻ ngoại 7- Eleven của Nhật Bản cũng tung ra hơn 100 món ăn tươi dành cho các buổi sáng, trưa, khuya… để thu hút khách hàng. Trong đó có thể kể đến những món ăn vặt mà người Việt rất thích như xôi, chè, gỏi cuốn, thịt kho trứng, hột vịt lộn, hột vịt xào me.
Cơ hội tăng trưởng từ món ăn đường phố
Là nhà cung cấp sản phẩm cho nhiều nhà bán lẻ như 7-Eleven, bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Saigon Food, cho biết trước đây hệ thống các cửa hàng tiện ích không đặt mục tiêu làm món ăn tươi, món ăn hè phố. Nhưng từ khi 7-Elven hướng đến bữa ăn tươi phục vụ cho giới trẻ thì nhiều nhà bán lẻ khác cũng nhảy vào nghiên cứu xem người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đang thích gì, muốn mua gì. Qua đó các nhà bán lẻ nhận thấy những món ăn đường phố như gỏi cuốn, hột vịt lộn… được giới trẻ ưa chuộng nên nhảy vào cạnh tranh.
Miếng bánh thức ăn đường phố 47.000 tỉ đồng
Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân dẫn một nghiên cứu từEuromonitorcho thấy tổng giá trị thị trường ẩm thực đường phố tại Việt Nam 46.900 tỉ đồng với tỉ lệ tăng trưởng khoảng 2% mỗi năm.
|
Bà Lâm nói thêm: “Khi cung cấp các món ăn tươi hay các món ăn vặt như bò bía, bắp xào tép, bánh tráng trộn… cho các nhà bán lẻ, chúng tôi đều phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế cho thấy các món ăn đường phố khi đưa vào hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích giá cả cao hơn so với quán ăn hè phố nhưng bù lại là đảm bảo chất lượng, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc”.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, nhận xét các món ăn vặt rất được người Việt ưa chuộng. Những món ăn này sẽ giúp các cửa hàng tiện ích thu hút được nhiều khách hàng hơn, gia tăng tần suất mua sắm và kích thích tiêu dùng.
“Việc đưa các món ăn đường phố có tính chất như thức ăn nhanh, tiện lợi, tiết kiệm thời gian vào hệ thống các cửa hàng tiện lợi có thể xem là chiến lược của các nhà bán lẻ để cạnh tranh với đối thủ” - ông Nguyễn Huy Hoàng nhìn nhận.
Cùng quan điểm trên, TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, phân tích thông thường một cửa hàng tiện lợi chọn một đối tượng khách hàng để phục vụ. Chẳng hạn đối tượng khách hàng của 7-Eleven là dùng ngay (ready to eat) nên bánh, kẹo, đồ ăn, nước uống... chiếm ưu thế. Trong khi đó khách hàng mục tiêu của Vinmart+ là mua để về nấu (ready to cook) nên họ tập trung vào thực phẩm như rau, thịt, cá.
“Nhìn tổng thể việc mở rộng món ăn đường phố là nhằm đáp ứng nhu cầu tiện lợi, có thể mua về nhà hoặc ăn tại chỗ của người tiêu dùng. Nó giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn” - ông Khương nói.
Không dễ thay thế quán ăn đường phố
Giám đốc thương mại công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, ông Nguyễn Huy Hoàng, nhận xét việc đưa các món ăn đường phố, các món ăn vặt vào mô hình cửa hàng tiện lợi hay siêu thị nhỏ có thể mang lại cơ hội tăng trưởng khi mà ở các kênh mua sắm khác không đáp ứng được. Chẳng hạn, lúc 11-12 giờ đêm, khi “thượng đế” muốn ăn một món ăn vặt nào đó thì vẫn có nơi đáp ứng được nhu cầu.
Tuy vậy, theo ông Hoàng, cửa hàng tiện ích với không gian nhỏ, chủ yếu cung cấp các dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu tiêu dùng 24/7 là chính. Do đó số lượng từng mặt hàng và chủng loại thức ăn nhanh có phần hạn chế, vì vậy cửa hàng tiện ích không thể thay thế cho các hàng quán chuyên bán các món ăn đường phố được.
|