Phiên tòa xử đại án Oceanbank chiều nay tiếp tục với phần luật sư thẩm vấn các bị cáo và những người liên quan.
Cáo trạng cho rằng, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức "thu phí" của khách hàng thông qua Công ty BSC trái quy định của NHNN để trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại Oceanbank.
Chủ trương này đã được Thắm và Sơn chỉ đạo cấp dưới triển khai thực hiện. Mỗi khi Sơn cần tiền chi lãi ngoài cho PVN, Thắm đều chỉ đạo nhân viên đưa. Cáo trạng cho rằng, hành vi này của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng hơn 68 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của luật sư: "Oceanbank có thiệt hại gì trong số tiền anh Sơn cầm?", Thắm khai: "Bị cáo nghĩ thiệt hại nếu có là của công ty BSC chứ không phải của Oceanbank. Bị cáo là người điều hành, chủ sở hữu rất lớn của Oceanbank, bị cáo là người kinh doanh, quan tâm đến thiệt hại của Oceabank nên sẽ không làm gì thiệt hại cho Oceanbank".
|
Hà Văn Thắm trả lời thẩm vấn của luật sư.
|
Theo lời khai của Thắm, hoàn cảnh thị trường thời điểm đó rất khốc liệt khi tất cả các ngân hàng chạy đua nhau huy động tiền, nhiều ngân hàng đã chi lãi suất vượt trần. Sau khi có thông tư số 02 của Thống đốc NHNN, Thắm đã ra chỉ thị cấm chi lãi ngoài.
Nhưng sau khi thực hiện theo thông tư 02, Oceanbank bị mất thanh khoản nên Thắm không còn cách nào khác là phải tiếp tục quay lại chi lãi ngoài.
"Thời điểm đó, Thống đốc NHNN đã phải triệu tập cuộc họp G14 (trong đó có Oceanbank) để chỉ đạo việc thực hiện thông tư 02, nhưng tình hình không biến chuyển, các ngân hàng vẫn chạy đua lãi suất. Khi đó bị cáo cũng buộc phải chi lãi ngoài để đảm bảo thanh khoản của ngân hàng", Thắm khai.
Thắm nói, Oceanbank không phải là ngân hàng đầu tiên thực hiện chi lãi ngoài. Cáo trạng xác định Oceanbank thực hiện chi lãi ngoài từ 2/2009, nhưng năm căng thẳng nhất về tiền chi lãi ngoài là năm 2008.
"Sau khi dừng chi lãi ngoài, số dư tiền gửi từ 12.000 tỷ đồng rớt xuống còn 5.000 tỷ đồng. Oceanbank mất thanh khoản dẫn đến không trả được tiền cho một người thì sẽ có cả ngàn người kéo đến đòi tiền, lúc đó ngân hàng sẽ đổ bể. Bị cáo buộc phải chấp nhận đánh đổi để cứu ngân hàng, kể cả bị Thống đốc NHNN cắt chức" - Thắm khai.
Trả lời thẩm vấn của luật sư, Hà Văn Thắm cho hay, việc chi lãi ngoài đã khiến Oceanbank có lãi. Anh ta ví việc này giống như: "Mua hàng giá cao, bán giá cao, nhưng vẫn có lãi".
Bí hiểm thỏa thuận tay ba
Theo cáo buộc, Hà Văn Thắm đã giải quyết cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ thông qua công ty Trung Dung mà không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái quy định, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Trong suốt phần thẩm vấn, Hà Văn Thắm nhiều lần nhắc đến một thỏa thuận tay ba giữa Thắm - công ty Trung Dung - ngân hàng Đại Tín.
Theo đó, ngân hàng Đại Tín phải thực hiện cam kết phong tỏa số tiền 500 tỷ đồng trong tài khoản của công ty Trung Dung. Thắm còn chỉ đạo nhân viên kiểm tra số dư tài khoản để đảm bảo 500 tỷ này vẫn còn nguyên ở ngân hàng Đại Tín.
Tuy nhiên, sau đó ngân hàng Đại Tín không thực hiện cam kết này mà đã giải ngân 500 tỷ theo yêu cầu của công ty Trung Dung.
Dở dĩ Thắm phải ký thỏa thuận ba bên này vì chính anh ta nhận thấy, công ty Trung Dung không đủ tài sản đảm bảo.
Tại tòa, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi đại diện ngân hàng Xây dựng về thỏa thuận tay ba này. Trả lời thẩm vấn, bà Vũ Thị Hương Thảo cho biết, trong hồ sơ lưu trữ của họ không hề có biên bản thỏa thuận này.
|
Bà Vũ Thị Hương Thảo (áo đen).
|
"Chúng tôi chưa bao giờ nhận được biên bản 3 bên giữa ngân hàng Đại Tín - Oceanbank - công ty Trung Dung. Chúng tôi mới nhận được biên bản dưới dạng giấy photo", lời bà Thảo.
Trả lời về khoản tiền 500 tỷ đồng của công ty Trung Dung tại ngân hàng Đại Tín, bà Thảo cho hay, hiện nay số tiền đó đã được dùng để tất toán các khoản vay.
Theo lời bà Thảo, trong ngày 22/6/2013, công ty Trung Dung có công văn yêu cầu xác nhận số dư, và ngay sau đó đã có ủy nhiệm chi. Thực hiện ủy nhiệm chi, ngân hàng Đại Tín đã giải tỏa số tiền trên, trong đó rót vào tài khoản của ông Phạm Công Danh 96 tỷ.