Cuộc đời bầu Đức: Từ chuyên cơ 7 triệu USD tới cú sa lầy khó thoát

Google News

(Kiến Thức) - Thời kỳ đỉnh cao, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức luôn rủng rỉnh tiền “hô mưa gọi gió”… Nhưng cuộc suy thoái của ngành bất động sản cũng như cú sa lầy đầu tư dàn trải đã khiến tập đoàn này rơi sâu vào khủng hoảng đến mức không thể gắng gượng dậy buộc Thaco phải giải cứu.

Hào quang…

2.093 tỷ đồng: Là con số lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lớn nhất từ trước đến nay mà Hoàng Anh Gia Lai đạt được vào năm 2010. Đó là nhờ vào sự bùng nổ của lĩnh vực bất động sản với loạt dự án khủng được xây dựng bên cạnh các dự án cho người thu nhập thấp.

Hàng loạt dự án bất động sản làm nên tên tuổi cũng như đóng góp chính vào nguồn thu của Hoàng Anh Gia Lai giai đoạn 2006-2012 gồm: New SaiGon, Hoang Anh River View, Phú Hoàng Anh, Hoàng Anh Golden House, Khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương, Khu căn hộ cao cấp Phú Hoàng Anh, Dự án tòa nhà Hoàng Anh Safomec, Dự án đất nền Minh Tuấn, Dự án căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình và dự án Hoàng Anh Phúc Bảo Minh...

Ngoài ra, Tập đoàn này còn có nhiều dự án ở các tỉnh Gia Lai, Quy Nhơn, Đắk Lắk, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ.

Chưa dừng lại ở đó, Hoàng Anh Gia Lai còn tham vọng “nối dài” cánh tay sang cả thủy điện, khoáng sản, cao su, nuôi bò, mía đường… Đây chính là nguồn cơn cho những hệ lụy sau này.

3.588 tỷ đồng: Là khoản tiền mặt "khủng" nhất trên báo cáo tài chính năm 2010 mà Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận ở thời kỳ đỉnh cao.

48.000 đồng/cổ phiếu: Là mức giá cổ phiếu HAG đạt được trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán HoSE vào ngày 22/12/2008. Cổ phiếu HAG đã trở thành một hiện tượng khi đó bởi có lúc lên tới đỉnh điểm 132.000 đồng/cổ phiếu thời điểm tháng 10/2009.

7 triệu USD (khoảng 113 tỷ đồng): Là số tiền là "ông bầu" câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức chi ra để mua chuyên cơ đầu tiên mang tên Beechcraft King Air 350 vào tháng 5/2008. Thời kỳ hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai đang trên đà phát triển mạnh.

Đây là loại máy bay phản lực cánh quạt hai động cơ loại nhỏ do hãng Beech Aircraft Corporation Mỹ chế tạo. Loại máy bay dài hơn 10m và sải cánh hơn 15m này có từ một đến hai phi công, chở tối đa 11 người. Nó có thể bay liên tục 2.446 km với tốc độ nhanh nhất đạt 416 km/h.

Cuoc doi bau Duc: Tu chuyen co 7 trieu USD toi cu sa lay kho thoat
 

… và phải giải cứu

-1.136 tỷ đồng: Là con số thua lỗ lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận vào năm 2016 dưới tác động của chi phí tài chính ngày càng lớn do huy động vốn cho các mảng kinh doanh mới không hiệu quả.

5.000 tỷ đồng: Là số tài sản riêng của cá nhân bầu Đức “bay hơi” trong năm 2015 theo giá trị cổ phiếu sau khi đơn vị kiểm toán E&Y cảnh báo về những rủi ro liên quan đến các khoản nợ ảnh hưởng tới “sự hoạt động liên tục” của Hoàng Anh Gia Lai.

Lần đầu tiên, bluechip này mất hơn 60% giá trị, lùi sâu dưới mệnh giá, mức thấp kỷ lục kể từ khi công ty niêm yết. Cổ phiếu HNG của công ty con HAGL Agrico vừa lên sàn cũng chịu chung số phận. Lúc đó, xen giữa các thông tin bán giải chấp cổ phiếu HAG từ các công ty chứng khoán và ngân hàng, xuất hiện tin đồn HAG phá sản.

Gần 10 năm: Là “cuộc tình” giữa bầu Đức và chuyên cơ Beechcraft King Air350. Sau khi trải qua một trận lỗ “càn quét” vào năm 2016, bầu Đức quyết định nói lời chia tay với chuyên cơ này vào tháng 5/2017 sau 5 năm đánh tiếng bán tài sản này. Mức giá bán chuyên cơ này không được tiết lộ nhưng theo giới chuyên gia mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá mua ban đầu.

80.000 ha: Là "thế lực" quỹ đất của Hoàng Anh Gia Lai nằm tại khu tam giác phát triển gồm Tây Nguyên (Việt Nam), Nam (Lào) và Đông Bắc (Campuchia). Đây là khối tài sản mà bầu Đức lúc khó khăn từng phát biểu "cùng lắm bán hết trả nợ".

1 tỷ USD và hơn thế nữa: Là con số mà Ô tô Trường Hải (Thaco) dùng để giải cứu Hoàng Anh Gia Lai.

Trong đó, Thaco cho HAGL Agrico vay 2.464 tỷ đồng, đồng thời đầu tư 35% cổ phần tương ứng 3.949 tỷ đồng; Thadi chi 7.626 tỷ đồng mua 3 công ty con của Hoàng Anh Gia Lai; Đại Quang Minh tiếp quản dự án bất động sản HALG ở Myanmar tương ứng 8.155 tỷ đồng. Ngoài ra, Thadi cũng đã nhận nợ thay 6.000 tỷ đồng.

49.000 tỷ đồng: Là tổng tài sản tại thời điểm 30/6/2019 của Hoàng Anh Gia Lai, giảm so với mức cao nhất từ trước đến nay là hơn 53.000 tỷ đồng vào cuối năm 2017, sau khi tập đoàn này đã bán hết loạt bất động sản, cao su, mía đường... Hiện chỉ còn tập trung vào mảng nông nghiệp.

17.600 tỷ đồng: Tổng vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai tại thời điểm cuối tháng 6/2019, giảm đáng kể so với con số “khủng” hơn 27.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015.

700 tỷ đồng: Là số lỗ lũy kế tính đến thời điểm cuối tháng 6/2019 của Hoàng Anh Gia Lai. Số lỗ này đã ngốn rất nhiều vốn góp của chủ sở hữu khiến vốn chủ sở hữu đã giảm xuống mức hơn 15.000 tỷ đồng.

4.500 đồng: Là giá mỗi cổ phiếu hiện nay của HAG do kinh doanh thua lỗ, nhà đầu tư mất niềm tin. Đồng thời, cả cổ phiếu HAG và HNG đều không được giao dịch ký quỹ. Ngoài ra, hai cổ phiếu này đều đang bị duy trì diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm.

Minh An

>> xem thêm

Bình luận(0)