Xin đi làm bưng bê, cử nhân bằng giỏi bị... loại
Cử nhân cất bằng đại học đi làm công nhân, chạy xe công nghệ, nhân viên giao hàng, bưng bê hay giúp việc nhà là câu chuyện được nhắc đến lâu nay. Nhưng muốn xin công việc tay ngang cũng không dễ, không ít cử nhân, kể cả người tốt nghiệp bằng giỏi bị từ chối khi xin đi làm bưng bê, phục vụ...
Nhiều sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi chật vật tìm việc làm (Ảnh chụp lại màn hình).
N.M.S, nam cử nhân tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh bằng giỏi tại một trường đại học ở TPHCM than: "Ai cũng nói không tìm được việc thì đi làm phục vụ bưng bê sống tạm, mà em xin đi làm bưng bê cũng bị... rớt đây".
Sau khi tốt nghiệp, chàng trai từng nhảy việc qua một vài công ty mà chẳng đâu đến đâu. Gần nửa năm qua, cậu rơi vào tình cảnh thất nghiệp kéo dài.
Ở nhà không việc làm, không thu nhập, S. rơi vào khủng hoảng. "Đói thì đầu gối phải bò", S. nói rằng, sau nhiều đấu tranh cậu đành phải "hạ mình" đi tìm việc, việc gì cũng được, miễn... có tiền nuôi thân.
S. gửi hồ sơ xin làm bưng bê, phục vụ tại một nhà hàng ở trung tâm quận 1 có mức lương 7-8 triệu đồng. Kết quả làm cậu không khỏi choáng váng khi bị loại với phản hồi vị trí này không yêu cầu phải có bằng đại học nhưng phải có tay nghề, có kỹ năng phục vụ, được đào tạo kỹ lưỡng.
S. cũng tìm một số công việc khác như nhân viên siêu thị điện máy, nhân viên kho nhưng cũng bị từ chối vì không có kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm.
Bà Nguyễn Lê Ngân - Giám đốc quản lý một hệ thống thời trang ở TPHCM cho hay, cử nhân đi xin làm nhân viên bán hàng, phục vụ, bưng bê, bảo vệ bị từ chối là chuyện... rất dễ hiểu.
Công ty bà gần đây nhận được nhiều hồ sơ ứng tuyển xin việc của cử nhân, có người là bằng giỏi xin vào các vị trí phục vụ, thu ngân, lễ tân, thậm chí cả xin làm bảo vệ.
Hầu hết các ứng viên này đều rớt tuyển vì các vị trí ứng tuyển không yêu cầu trình độ cử nhân nhưng đòi hỏi nhân lực có kỹ năng nghề, có đào tạo, trải nghiệm trong lĩnh vực đó, có lộ trình phát triển, mục tiêu nghề nghiệp.
Hơn nữa, bà Ngân nhấn mạnh, công việc nào giờ cũng yêu cầu nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Công việc của nhân viên phục vụ, bưng bê, lễ tân... mọi người tưởng đơn giản nhưng thật ra tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, đòi hỏi nhiều kỹ năng, không phải ai muốn làm là làm.
Tiêu chuẩn nghề phục vụ ngày càng cao (Ảnh minh họa: Văn Hiền).
"Tôi là giám đốc nhưng giờ nói tôi trực tiếp xuống bán hàng cho khách, tôi không làm được", bà Ngân cho hay.
Chưa kể, người này cho rằng, cử nhân "hạ mình" đi tìm việc mang tâm lý làm tạm bợ khi thất nghiệp, làm để kiếm tiền trước mắt nên thiếu sự gắn kết, làm việc có thể mang tâm thế đối phó, cẩu thả...
Rất khó có doanh nghiệp mặn mà với nhân sự xem mình là "bến tạm", trừ công việc mang tính thời vụ.
Bằng giỏi là ưu thế, cũng có thể thành bất lợi
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhấn mạnh, đây là thời kỳ cạnh tranh năng lực, nghề nghiệp chất lượng cao. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp không phải là thiếu lao động mà thiếu lao động có trình độ đáp ứng được yêu cầu.
Trình độ ở đây, theo ông Tuấn, không phải là bằng cấp đại học mà là kỹ năng làm việc phù hợp.
Còn nhiều ngành nghề, đào tạo ở cấp học càng thấp thì càng được chia nhỏ, kiến thức chuyên môn có thể hẹp nhưng lại sâu về kỹ năng thực hành. Cử nhân đại học có thể nắm sâu, rộng kiến thức nhưng chưa chắc đã giỏi những kỹ năng cụ thể ứng dụng vào công việc cụ thể nên sẽ cạnh tranh không lại.
"Doanh nghiệp không dại gì tuyển cử nhân với mức lương thường yêu cầu cao hơn cho vị trí công việc cần kỹ năng nghề. Những nhân sự này không có kỹ năng làm nghề hiệu quả, lại thiếu sự gắn bó", ông Nguyễn Tiến Tạo, chủ doanh nghiệp một kinh doanh ô tô tại TP Thủ Đức, TPHCM nhận định.
Sinh viên tìm việc tại ngày hội việc làm ở TPHCM (Ảnh: H.N).
Ông Tạo kể, công ty ông đăng tuyển nhân viên rửa và chăm sóc xe ô tô, nhận được hồ sơ tìm việc của nhiều cử nhân. Nhiều bạn nghĩ đó là công việc lao động phổ thông, rửa xe đến đứng xịt nước, thoa xà bông cho bóng loáng là... ăn tiền. Trong khi đây là công việc đòi hỏi nhân sự phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có kỹ năng làm việc, phải trải qua thời gian học việc, thực tập kéo dài.
Là người xem trọng việc học và coi trọng bằng cấp nhưng theo ông Tạo, ở nhiều lĩnh vực, vị trí, các bạn trung cấp, cao đẳng, nghề sẽ có ưu thế hơn các bạn học đại học và trên đại học.
Ông Tạo nên quan điểm: "Bằng cử nhân, bằng giỏi có thể là lợi thế trong lĩnh vực các bạn theo đuổi nhưng có thể lại bất lợi trong những lĩnh vực, phân khúc khác".
Bên cạnh đó, nhiều người băn khoăn với tình trạng "lạm phát" sinh viên giỏi hiện nay. Thống kê tại nhiều trường đại học ở TPHCM, những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi xuất sắc ngày càng cao, có khi chiếm đến 90-95%.
Bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi hiện không còn chiếm nhiều ưu thế trên thị trường lao động như trước. Chữ "giỏi" có khi còn là rào cản khi khiến nhiều ứng viên ảo tưởng, không biết năng lực thật của bản thân, thiếu thái độ khiêm tốn, cầu tiến...
Điều quan trọng của tấm bằng giỏi, theo các chuyên gia nhân lực phải ở chỗ bạn có thật sự giỏi về chuyên môn, có thái độ nghiêm túc với công việc, làm được việc và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động không.
Tại TPHCM, theo báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2023, có 27.800 người (chiếm 36%) có trình độ từ đại học trở lên trong tổng số 82.500 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.