Công ty xăng dầu ở Cà Mau bị phạt gần 9 tỷ đồng

Google News

Một công ty kinh doanh xăng dầu ở Cà Mau bị phạt gần 9 tỷ đồng do có hành vi gian lận trong kê khai hệ thống phân phối và giấy phép kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực.

Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau vừa công bố việc nhận quyết định của Chánh thanh tra Bộ Công Thương xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau bị phạt tiền 50 triệu đồng do có hành vi gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối. Đồng thời, công ty này cũng bị phạt tiền 90 triệu đồng vì kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực.
Ngoài ra, để khắc phục hậu quả cho hành vi kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực, doanh nghiệp này còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm từ tháng 1/2021-3/2022 với số tiền gần 8,7 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau bị phạt và truy thu phải nộp vào ngân sách gần 9 tỷ đồng.
Cong ty xang dau o Ca Mau bi phat gan 9 ty dong
Nhiều cây xăng bị xử phạt do vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa)
Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau có tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần, nhưng công ty cũng có tình tiết giảm nhẹ do đã tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm và xử lý hành chính, tự nguyện khắc phục hậu quả.
Gần đây, nhiều cửa hàng, cây xăng đã bị xử phạt do vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Vào ngày 31/8, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu dầu khí HHL chi nhánh Đồng Nai bị đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Định Quán đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt số tiền hơn 1,6 tỷ đồng do kinh doanh trên 14.000 lít xăng RON 95-III có chỉ tiêu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Cũng trong ngày 31/8, một cửa hàng xăng dầu ở ấp Thạnh Đông huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh bị Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết mà không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định với số tiền 15 triệu đồng.
Trước đó, ngày 30/8, một cơ sở kinh doanh xăng dầu ở tỉnh Lâm Đồng cũng bị lực lượng QLTT phạt 15 triệu đồng với hành vi không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Tính đến ngày 31/8, Bộ Công Thương đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và công ty con với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Ngoài xử phạt hành chính, ngày 31/8, Chánh thanh tra Bộ Công Thương đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đối với 5 doanh nghiệp đầu mối do không đáp ứng được điều kiện của hệ thống phân phối theo quy định. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trước mắt, Bộ sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính. Với hình thức tước giấy phép kinh doanh sẽ áp dụng vào một thời điểm phù hợp nhất.
Đến nay, đã có khoảng 12 doanh nghiệp bị rút giấy phép kinh doanh có thời hạn sau đợt thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối. Có 5 doanh nghiệp đã được trả giấy phép sau khi hết thời hạn xử phạt, 2 DN khác sẽ được hoàn trả giấy phép vào ngày 14/9.
Liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Sở Công Thương TP.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và An Giang đề nghị cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng đầu năm 2022.
Đối tượng kiểm tra là các thương nhân kinh doanh xăng dầu tại phụ lục quyết định 954/2022; địa điểm kiểm tra, trụ sở, cơ sở kinh doanh của thương nhân bị kiểm tra trên địa bàn tỉnh. Thời gian kiểm tra từ tháng 9-12/2022.
Theo Hạnh Nguyên / Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)