Năm 2020, dịch bệnh gây ra ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch Việt Nam. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm đến 80%, khách nội địa giảm 45%, ước tính thiệt hại khoảng 23 tỷ USD.
Gần cả năm "ngồi không" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đối với nhiều hướng dẫn viên du lịch, thời điểm này có công ăn việc làm đã là may mắn. Thưởng Tết đối với những người lao động ngành này là điều xa xỉ.
Tết buồn của lao động ngành du lịch
Gần một năm qua, chị Cẩm Anh (Sơn Trà, Đà Nẵng) làm nghề hướng dẫn viên du lịch phải chật vật kiếm việc làm thêm vì công ty cắt giảm nhân sự. Vợ chồng chị phải vay chỗ này đắp chỗ kia để nuôi 2 đứa con nhỏ. “Tôi chuyển sang bán hàng online, còn chồng đăng ký dạy tiếng Anh nhưng thu nhập vẫn không đủ nuôi sống gia đình”, chị cho biết.
Các đồng nghiệp của chị Cẩm Anh cũng làm đủ nghề tay trái, cố bám trụ ở thành phố chờ ngành du lịch phục hồi. Tuy nhiên, nhiều người không trụ nổi, phải bỏ phố về quê. "Bây giờ chỉ mong hết dịch để việc làm ổn định trở lại chứ nói gì đến chuyện thưởng Tết", chị tâm sự.
|
Kể từ khi dịch bùng phát, những người làm trong ngành du lịch không có việc làm hoặc phải chuyển sang phục vụ khách nội địa hoặc phải chuyển nghề. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Không chỉ riêng chị Anh mà đối với ông Nguyễn Chính, hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn tour khách nước ngoài thì một năm qua là "cơn ác mộng" trong suốt mấy chục năm làm nghề. "Chưa bao giờ nghề hướng dẫn viên lại khó khăn đến như vậy", ông Chính nói.
Từ lúc dịch bệnh, công ty ông Chính hướng đến các tour nội địa nhưng rất khó khăn, phải cho nhân viên nghỉ việc luân phiên. “Thời gian nghỉ dịch, tôi phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm để trang trải cuộc sống. Tết Tân Sửu năm nay chắc chắn là một cái Tết buồn”, ông chia sẻ.
Thời gian gần đây nghe mọi người hỏi nhau về tiền thưởng Tết khiến chị Thủy, nhân viên kế toán của một khách sạn ở Quảng Ninh cảm thấy buồn hơn. Năm ngoái, công ty làm ăn khá chị được thưởng Tết 2 tháng lương. "Năm nay thưởng gần như bằng 0. Có việc làm, được nhận lương là hạnh phúc rồi chứ không mơ thưởng Tết", chị nói.
Chị Thuỷ hy vọng Tết Nguyên đán sắp tới sẽ đông khách đi du lịch để chị và đồng nghiệp có thêm việc làm lo cho cuộc sống, gia đình, để trả nợ trong năm nay.
Một năm lao đao của ngành dịch vụ, du lịch
Trong những lĩnh vực-ngành nghề gặp khó vì đại dịch, du lịch có lẽ là ngành chịu nhiều ảnh hưởng nhất trong năm 2020.
Theo thống kê, 18% doanh nghiệp du lịch phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% cho khoảng 50-80% nhân viên nghỉ việc. Có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019.
Năm nay chi trả thưởng Tết cho nhân viên có lẽ là một khái niệm xa vời đối với công ty du lịch Thiện Tâm An bởi dịch Covid-19 cùng với việc triển khai giãn cách xã hội đã khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm gần hết nhân sự, một số thì giảm lương vì không còn cách nào khác.
|
Hoạt động du lịch bị tổn hại nặng nề tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội. Ảnh: Duy Anh. |
Từ khi gặp khó vì dịch bệnh, ông Nguyễn Thành An, Giám đốc công ty đã phải chuyển nghề, từ bán hàng đến đào tạo online marketing. "Năm nay, 95% doanh nghiệp du lịch rơi vào trạng thái thê thảm, còn lại thì khó khăn duy trì. Chính vì vậy, khả năng thưởng Tết cho nhân viên ngành du lịch rất hiếm", anh tâm sự.
Có đủ lương và thu nhập bằng với năm 2019 đã là mơ ước của lao động trong doanh nghiệp vào lúc này. "Doanh thu không có, nếu giờ mà chi tiền thưởng Tết nữa thì coi như công ty đóng cửa", anh cho biết.
Chia sẻ với Zing, giám đốc một công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết công ty sẽ cố gắng duy trì việc làm và trả đủ lương cho nhân viên. Nói về thưởng Tết Nguyên đán, vị giám đốc buồn bã nói: "Thực sự, chúng tôi không thể nghĩ tới thưởng Tết, duy trì được hoạt động đến hiện nay đã là tốt lắm rồi".
Đây có lẽ cũng là bức tranh chung của một số ngành nghề năm nay, nhất là những nhóm doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch như du lịch, nhà hàng, khách sạn...