Chuyện kiểm đếm, quản lý tiền công đức tại nhiều đền, chùa ở Bắc Ninh

Google News

Những ngày đầu tháng 3, phóng viên đã có mặt tại một số di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để ghi nhận công tác quản lý, kiểm đếm tiền công đức.

Chuyen kiem dem, quan ly tien cong duc tai nhieu den, chua o Bac Ninh
Các thành viên Ban quản lý di tích Đền Đô kiểm đếm tiền công đức. Ảnh: Vân Trường 
Giám sát bằng camera
Tại khu di tích Đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh), truyền thống lâu nay, mọi khoản công đức tại di tích này đều do Hội Người cao tuổi phường Vũ Ninh kiểm soát và quản lý thu chi.
Năm nay, để tiếp nhận tiền công đức, Ban quản lý đền đã bố trí hơn 10 bàn ghi sổ tại nhiều nơi trong đền.
Theo ông Nguyễn Văn Quyết - Chi Hội trưởng Hội Người cao tuổi khu Cổ Mễ (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh), riêng bộ phận công đức của đền có gần 60 cụ, thực hiện việc quản lý, giám sát, kiểm đếm.
Chuyen kiem dem, quan ly tien cong duc tai nhieu den, chua o Bac Ninh-Hinh-2
 Ghi chép tiền công đức tại Đền Bà Chúa Kho. Ảnh: Vân Trường
Ông Lê Văn Thư - Phó Chủ tịch UBND phường Vũ Ninh (TP Bắc Ninh) - cho biết, quá trình kiểm đếm tiền công đức tại Đền Bà Chúa Kho được thực hiện công khai, minh bạch, có camera giám sát.
"Năm nay, UBND phường cũng vận động các di tích trên địa bàn mở tài khoản ngân hàng để tiếp nhận công đức online", ông Lê Văn Thư nói.
Theo thống kê, số tiền công đức tại Đền Bà Chúa Kho trong cả năm 2023 là hơn 21,4 tỉ đồng. Trong đó, đã chi hết 17,5 tỉ đồng để tu sửa các hạng mục xuống cấp tại đền và mua sắm đèn nhang, trả tiền công cho các thành viên làm nhiệm vụ.
Tại di tích quốc gia đặc biệt Đền Đô (TP Từ Sơn), để quản lý tiền công đức của nhà đền, vào cuối mỗi ngày, các thành viên Ban quản lý di tích tiến hành chốt sổ, mở hòm công đức và kiểm kê tiền công đức trước sự chứng kiến của các thành viên.
Số tiền này được lập biên bản ghi chép công khai. Được chi theo quy chế công khai của nhà đền. Trọng tâm là công tác trùng tu, tôn tạo di tích.
Ông Nguyễn Tiến Chiến - Trưởng Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Đền Đô - cho hay: “Lần mở nào cũng đầy đủ số người. Chúng tôi quy định, thiếu 1 người cũng không được mở. Khi mở ra, chúng tôi kiểm đếm luôn và có kế toán, thủ quỹ. Thu, chi rõ ràng dưới sự giám sát của các cụ".
Chuyen kiem dem, quan ly tien cong duc tai nhieu den, chua o Bac Ninh-Hinh-3
Việc kiểm đếm, ghi chép tiền công đức được thực hiện công khai, minh bạch. Ảnh: Vân Trường 
Bà Cao Thị Hồng Liên - Chủ tịch UBND phường Đình Bảng (TP Từ Sơn) - cho hay, theo ghi nhận, ngay cả các phần tiền không được đưa ra các bàn công đức để ghi chép cũng được phía Ban quản lý Đền Đô thu gọn và kiểm đếm đầy đủ.
"Phía Ban quản lý di tích cũng cần lưu trữ kỹ các sổ ghi chép tiền công đức để phục vụ tốt công tác quản lý" - bà Liên nói.
Lập tài khoản để quản lý thu chi
Còn tại di tích quốc gia chùa Dâu (thị xã Thuận Thành), ngoài việc cắt cử người trực tiếp ghi chép tại bàn công đức, Ban quản lý di tích đã mở thêm tài khoản ngân hàng, tạo mã QR Code để tiếp nhận tiền công đức online.
Chuyen kiem dem, quan ly tien cong duc tai nhieu den, chua o Bac Ninh-Hinh-4
Điểm ghi tiền công đức ở di tích chùa Dâu. Ảnh: Vân Trường 
Cứ 2 - 3 ngày, hòm công đức tại chùa được mở dưới sự chứng kiến của Ban quản lý di tích và chính quyền địa phương. Toàn bộ số tiền công đức được chuyển vào tài khoản ngân hàng của Ban quản lý di tích.
Sư thầy Thích Chân Tường (di tích Chùa Dâu) cho hay: "Việc quản lý tiền công đức rất minh bạch, được người dân, chính quyền và ban quản lý di tích kết hợp mở hòm, kiểm đếm sau đó cùng ký vào biên bản rồi chuyển vào tài khoản ngân hàng của Ban quản lý di tích. Khi cần chi ra sẽ có duyệt chi".
Ông Nguyễn Văn Sáng - Phó Chủ tịch phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành - cho biết: "Trực tiếp Ban quản lý di tích sẽ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của ban quản lý. Số tiền được Ban quản lý sử dụng vào việc của nhà chùa cùng công tác từ thiện của địa phương và xã hội".
Bắc Ninh kiểm tra tổng thể quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích
UBND tỉnh Bắc Ninh mới đây đã giao Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra tổng thể quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh chậm nhất ngày 15.3.2024, và tham mưu gửi Bộ Tài chính theo yêu cầu.
Bắc Ninh hiện có 1.558 di tích lịch sử, trong đó có 195 di tích cấp quốc gia, 386 di tích cấp tỉnh, nhiều hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Trên địa bàn tỉnh cũng có khoảng 500 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức quanh năm.

Theo Vân Trường/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)