Trong buổi chia sẻ trực tuyến về các kênh đầu tư trong năm 2022, Tiến sĩ tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá trong 5 kênh đầu tư truyền thống của người Việt Nam những năm qua là BĐS, chứng khoán, vàng, tiết kiệm ngân hàng và ngoại tệ thì với những tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều khả năng Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Do đó, gửi tiết kiệm tiếp tục không phải là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022. Đây chỉ là kênh đầu tư thích hợp với những người thích an toàn về đồng vốn của mình.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục là một kênh hút vốn và là kênh đầu tư của rất nhiều người. Theo ông Hiếu, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì các nhà đầu tư thường đổ tiền vào chứng khoán bởi đây là kênh đầu tư có thể đổ từ số tiền nhỏ đến số tiền lớn và đây cũng là thị trường mà các nhà đầu tư có thể dễ gia nhập và rút đi, điều này tạo nên những điều kiện thuận lợi khi tham gia đầu tư.
Bên cạnh đó, đà tăng của thị trường chứng khoán trong năm 2021 sẽ là một đòn bẩy, động cơ để thị trường tiếp tục phát triển trong năm 2022.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý rằng trong năm 2022, Chính phủ Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có kế hoạch tăng lãi suất tiết kiệm ngân hàng, điều này có thể tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam ở một số thời điểm trong năm 2022.
|
Các chuyên gia cùng có nhận định thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động trong năm 2022
|
Về BĐS, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng ý với những dự báo cho rằng thị trường BĐS sẽ có những sự phục hồi tốt trong năm 2022. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng sự phục hồi của thị trường BĐS cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam như thế nào. Nếu Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, thị trường BĐS sẽ có sự hồi phục và bật tăng trong giai đoạn từ nửa sau của quý 2/2022. Trong trường hợp ngược lại, nếu dịch bệnh không được kiểm soát, thị trường BĐS cũng sẽ tiếp tục chịu những tác động ở tất cả các phân khúc.
Về thị trường vàng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định có thể giá vàng sẽ tăng so với năm 2021 bởi những chính sách về tiền tệ của những nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ khi lạm phát được nhận định sẽ tiếp tục tăng. Dù nhận định giá vàng tăng nhưng ông Hiếu cũng nhấn mạnh các nhà đầu tư vào kênh này cần cẩn thận và theo dõi sát những diễn biến về kinh tế, chính trị trong nước và thế giới.
Về thị trường hối đoái, ông Hiếu nhận định nếu Mỹ tăng lãi suất trong năm 2022 cũng sẽ tác động tới thị trường hối đoái tại Việt Nam. Bởi khi Mỹ tăng lãi suất điều này sẽ làm tăng giá trị của đồng đô la và điều này có thể khiến tỷ giá của VNĐ và đô la sẽ tăng trong năm 2022. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư vào kênh này.
Việc tỷ giá tăng sẽ tốt cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022, nhưng điều này có thể tác động đến tình hình nhập khẩu bởi điều này sẽ làm tăng giá các mặt hàng nhập khẩu, gián tiếp ảnh hưởng đến tình hình lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022.
Cùng quan điểm với tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trong buổi thảo luận "Bức tranh đầu tư 2021- Triển vọng 2022" mới được tổ chức ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cũng đánh giá chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhất trong năm 2022 bởi nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 7-7,5%.
Theo ông Tuấn, sự ổn định kinh tế - chính trị, cùng các chính sách tài khoá, tiền tệ phù hợp, linh hoạt kết hợp chương trình chống dịch Covid-19 là động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong năm 2022.
Trong đó, gói hỗ trợ phát triển kinh tế với chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế có quy mô hơn 15 tỷ USD (khoảng 5% GDP) vừa mới được Quốc hội thông qua sẽ góp phần đẩy mạnh đầu tư công, ổn định môi trường lãi suất, tăng trưởng xuất khẩu.
Phân tích kỹ hơn về đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, ông Nguyễn Sang Lộc, CFA - Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư đến từ Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cho biết tổng quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay khoảng 340 tỷ USD, bằng 140% GDP. Hơn 60 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Thanh khoản giao dịch trên thị trường khoảng 1,5 tỷ USD/phiên. Do đó, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư và tích sản rất tốt nhất hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Lộc điều này chỉ đúng khi nhà đầu tư nghiêm túc và có kính kỷ luật cao. Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều nhà đầu tư mới tiếp cận thị trường chứng khoán giống như là một kênh làm giàu nhanh. Họ chạy theo đám đông. Họ mua những cổ phiếu đầu cơ. Những điều này không khác gì đánh bạc. Hậu quả là nhà đầu tư có thể mất tiền và cảm thấy hoảng sợ trước thị trường.
"Tôi cho rằng, năm 2022, khi mà những phiên bong bóng của dòng tiền đầu cơ vỡ rồi, dòng tiền sẽ chảy ra, tìm kiếm doanh nghiệp kinh doanh bài bản, có yếu tố hỗ trợ, cũng như có sự tăng trưởng tốt. Vì vậy, tôi mong rằng tất cả những nhà đầu tư mới bên cạnh sự kiên nhẫn cũng cần có sự kỷ luật thì mới thành công được", ông Lộc nói.
Ông Lê Anh Tuấn cũng nhận định bất động sản cũng sẽ tiếp tục xu hướng tăng, nhưng có sự phân hoá cao với cơ hội dành cho đất nền và chung cư sơ cấp nhiều hơn. Còn đầu tư vàng và USD kém hấp dẫn hơn về trung và dài hạn. Tiền số có biên độ biến động lợi nhuận cực lớn nhưng không dễ đầu tư, chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp.