Đó là những chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực tại Hội thảo "Triển vọng kinh tế tài chính 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán" vừa được tổ chức ngày 15/1.
Tại Hội thảo, ông Trần Anh Thắng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng, năm 2020 là một năm biến động mạnh của nền kinh tế thế giới do cuộc khủng hoảng COVID-19, nhưng cũng là một năm thăng hoa dành cho TTCK thế giới nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Điều này được thể hiện cụ thể qua các con số và biểu đồ phục hồi chữ V thần kỳ của chỉ số VN-Index.
Giai đoạn quý 1/2020, COVID-19 bắt đầu lây lan trên khắp thế giới và xuất hiện những ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam. Lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế, các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu mạnh mẽ, khiến chỉ số giảm hơn 300 điểm, rơi xuống vùng 650 – 660 điểm giai đoạn cuối tháng 3. Nhưng tính từ 31/3 tới cuối năm 2020, chỉ số tăng điểm không ngừng, từ mức gần 450 điểm và đóng cửa tại vùng 1100 điểm.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng nhắc đến yếu tố nhà đầu tư nước ngoài như là một nhân tố tác động rất mạnh đến TTCK Việt Nam 2020 ở cả hai chiều mua và bán. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh bán ròng trên sàn HoSE đạt 35.000 tỷ đồng. Điểm tích cực hơn là đà bán ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu giảm dần vào cuối năm.
|
Các chuyên gia thảo luận về chứng khoán 2021. |
Ông Thắng cũng đưa ra hai kịch bản với thị trường chứng khoán Việt Nam 2021. Theo đó, kịch bản 1: Với lộ trình vắc xin, EPS toàn thị trường tăng trưởng tốt trên 18%, chỉ số có thể đạt 1.250 điểm. Kịch bản 2: Với những rủi ro mới tác động, EPS tăng 15-16%, chỉ số có thể điều chỉnh về 950 điểm và dao động trong khoảng 950 - 1.000 điểm.
Về động lực và ý tưởng đầu tư, ông Thắng cho rằng, nếu kinh tế phục hồi, ngành bán lẻ có khả năng tăng trở lại, ngành ngân hàng có triển vọng ở mức trung bình. Nhưng bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, cao su tự nhiên, dầu khí... có nhiều cơ hội phát triển.
Trình bày về triển vọng kinh tế, tài chính 2021-2025, cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực nhận định, chứng khoán Việt Nam gắn chặt với chứng khoán thế giới, khi chứng khoán thế giới tăng, chứng khoán Việt Nam cũng tăng theo và ngược lại.
Kinh tế thế giới sẽ phục hồi khá nhanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Khả năng cao sẽ theo hình chữ “U” hoặc SWOOSH - logo Nike. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc 3 điều kiện: khả năng kiểm soát dịch, hiệu quả của các gói hỗ trợ và hợp tác quốc tế… Nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát tốt, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi theo hình chữ M ngược.
Đánh giá về những kết quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam, ông Lực cho biết, kinh tế Việt Nam 2020 có 8 điểm “sáng” đáng chú ý. Theo đó, chúng ta đã đạt mục tiêu kép trong phòng chống dịch hiệu quả và kinh tế phục hồi hình chữ V (hoặc Logo Nike) với mức tăng trưởng 2,91%; chất lượng tăng trưởng tiếp tục cải thiện, năng suất lao động tăng 5,8% giai đoạn 2016-2020 so với 4,3% giai đoạn 2011-2015.
Lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân tăng 3,23%; lạm phát cơ bản tăng 2,31%; tỷ giá duy trì ổn định, mặt bằng lãi suất giảm, thanh khoản dồi dào; thị trường chứng khoán phục hồi nhanh; đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường tạo cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển là khả quan; kinh tế số phát triển mạnh; năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện...
Tuy nhiên, điểm trừ là thu hút vốn FDI chưa tăng như kỳ vọng; thâm hụt ngân sách, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng, nhưng trong tầm kiểm soát. Khối doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19 nhưng việc triển khai gói hỗ trợ còn chậm. Cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm và tận dụng các FTAs chưa tốt...
Năm 2021, Chính phủ tiếp tục thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả và phục hồi kinh tế - xã hội. Theo đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; CPI khoảng 4%; xuất khẩu tăng 4-5%; đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34,5% GDP...
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ đang thực hiện (tổng khoảng 3% GDP) và gói hỗ trợ ngành hàng không (VNA); giữ vững ổn định kinh tê vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, cùng với đó là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...
Trên cơ sở đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2021 nhiều khả năng kinh tế sẽ phục hồi khá mạnh, tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào một số điều kiện... đòi hỏi chúng ta phải có tâm thế, sớm nắm bắt vận hội mới trong giai đoạn này. Tuy nhiên, giai đoạn 2022-2025 kinh tế có tiếp tục phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng hay không là câu hỏi khó.
Song, với Việt Nam, "con người và công nghệ” luôn là 2 đột phá chiến lược cần được ưu tiên đầu tư. Phía doanh nghiệp cần thực hiện mô hình 5 Rs, gồm: thích ứng với “bình thường mới”; phục hồi nhanh; đổi mới, sáng tạo trong mô hình/chiến lược kinh doanh; tái cơ cấu và tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài...
Trong bối cảnh đó, ông Lực cho rằng, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên đầu tư theo “khẩu vị rủi ro” của mình.
Phải xác định rõ mục đích đầu tư, đa dạng hóa danh mục đầu tư, không dùng đòn bẩy quá nhiều. Đặc biệt là tránh tâm lý bầy đàn, theo phong trào và hãy là nhà đầu tư thông thái và/hoặc thông qua tổ chức kinh doanh chứng khoán...