Kem được nhân viên cho vào cốc thủy tinh miệng rộng kèm theo chiếc thìa con bằng đồng.
Tiếp theo Grand, nhiều khách sạn được xây dựng tại Hà Nội trong đó phải kể đến khách sạn Chính Quốc (Metropole) xây dựng năm 1901. Khách sạn Coq d'Or - Con gà vàng ở 38 Tràng Tiền xây năm 1903 và Terminus ở cuối phố Tràng Tiền... Tại quầy bar của các khách sạn này đều có bán kem cốc. Trong hồi ký của một số quan chức Pháp từng sống và làm việc tại Hà Nội thì kem cốc thời đó chủ yếu là kem cà phê, chocolate và kem hạnh nhân.
|
Một số ki-ốt bán kem ở Hà Nội từ 1936 đã thuê thiếu nữ ở nông thôn ra làm. |
Những năm 1920, phố Tràng Tiền không còn là nơi dành riêng cho người Pháp và tầng lớp giàu có nữa thì Coq d'Or bắt đầu bán kem lẻ cho khách. Dân chúng Hà Nội thích kem nên những người bán hàng giải khát từ bến tàu điện Đinh Tiên Hoàng (nay là điểm trông giữ xe) đến Nhà Khai trí tiến đức (nay là 16 phố Lê Thái Tổ) đã mua về bán lẻ cho khách. Họ đựng kem vào các phích chân không cho khỏi chảy. Khách mua họ múc ra cốc thủy tinh Thanh Đức. Ăn xong, mỗi khách được một cốc nước lọc có vài giọt bạc hà để súc miệng.
Năm 1936, một số ki-ốt bán kem đã thuê con gái ở nông thôn ra làm công việc chạy bàn. Họ bỏ tiền may cho các cô gái quần áo tân thời, một số khác còn “huấn luyện” cách mời chào lẳng lơ, vì thế xuất hiện những câu chuyện hư hư, thực thực mà báo chí thì gọi là “kem sờ bờ Hồ”. Năm 1936, số nhà 37 phố Cầu Gỗ xuất hiện một quán kem khá đặc biệt có tên Tây là Zéphyr.
Số nhà 37 Cầu Gỗ thông ra phố Đinh Tiên Hoàng là nhà của cụ Phạm Quang Hưng làm phán ở Bưu điện bờ Hồ. Cụ sinh được 12 người con, trong đó có 5 trai và 7 gái, trong số 5 người con trai có người con thứ tư là Phạm Quang Chúc đã tham gia Việt Nam quốc dân đảng. Phạm Quang Chúc bị thực dân Pháp bắt cùng với Nguyễn Thái Học. Ông bị đầy ra Côn Đảo năm 1930.
Trong tù, ông Chúc được giác ngộ cách mạng và kết bạn với các ông Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương... Năm 1936, Mặt trận bình dân thắng thế trên chính trường Pháp và Chính phủ mới ra lệnh phóng thích nhiều tù nhân chính trị nên Phạm Quang Chúc được thả. Trở về nhà, ông xin phép cha mẹ để các bạn tù: Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Tuấn Thức, Ba Ngọ, Đình Nhu được nương náu tạm tại nhà, tìm việc làm để tiếp tục hoạt động cách mạng.
|
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. |
Cụ Phạm Quang Hưng đồng ý và từ đó, gia đình cụ trở thành địa chỉ nửa bí mật, nửa công khai của các chiến sỹ cách mạng ở Hà Nội. Thời gian đầu, do chưa tìm được công việc nên tất cả sống nhờ vào tiền lương của cụ nên cũng khá khó khăn. Trong lúc mọi người đang suy tính thì cô con gái lớn là Phạm Thị Hồng đề nghị cha mở quán kem, vì Hồng có quen một thanh niên tên là Cầu, anh này giỏi nghề làm bánh, làm kem.
Được cha đồng ý, quán kem Zéphyr ra đời. Trên tường vẽ bức tranh các cô gái có cánh tay cầm cốc kem đang bay và người tô màu cho các phác thảo này chính là Phạm Văn Đồng. Lúc đó, ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương ở trên gác xép, chăm chỉ viết báo. Những lúc đông khách. các ông xuống dưới nhà làm phụ bê kem. Tình cảm đã nảy nở giữa hai chiến sỹ cách mạng với hai cô con gái cụ Hưng.
Cô con gái thứ ba là Phạm Thị Cúc đã kết hôn với ông Phạm Văn Đồng, còn Phạm Thị Hồng thì kết hôn với nhà cách mạng Nguyễn Kim Cương. Quán kem đóng cửa năm 1939 vì Mặt trận bình dân Pháp thất thế, chính quyền mới ra tay đàn áp phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam, các chiến sỹ cách mạng rút vào hoạt động bí mật.
Nhiều người vẫn lầm tưởng kem que xuất xứ từ châu Âu thông qua người Pháp du nhập vào Việt Nam, nhưng thực ra kem que là sản phẩm du nhập qua người Nhật. Cuối tháng 10-1940, toán lính Nhật đầu tiên đến Hà Nội và theo chân có cả các thương gia. Để gây ảnh hưởng với quốc gia trên bán đảo Đông Dương, chính quyền Nhật đã tổ chức các hoạt động văn hóa, triển lãm hàng hóa Nhật và kem que được bán trong triển lãm. Ngay lập tức nó thu hút được dân chúng, nhất là trẻ em.
Công nghệ làm kem que không quá khó nên hàng loạt hiệu sản xuất kem que ra đời như: Long Vân, Hồng Vân (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), Cẩm Bình (phố Hàng Bông), Hòa Bình (phố Huế). Không chỉ bán tại chỗ, họ còn cho trẻ em đeo bình kem đi bán lẻ khắp thành phố để chiếm thị trường. Quán Thủy Tạ nằm sát hồ Gươm cũng trở thành điểm bán kem que, trước đó quán có tên là Hồ Ngọc cũng từng bán kem cốc.
Thủy Tạ cũng là một trong những điểm đầu tiên bán kem hộp sắt hiệu Néstle. Kem được bảo quản trong tủ bảo ôn. Ưu điểm là thơm ngon nhưng kem hộp không được ưa chuộng vì giá thành quá cao, hơn nữa một hộp kem (tương đương như hộp sữa đặc hiện nay) phải hai người ăn mới hết.
Đầu những năm 1950, Hà Nội xuất hiện quảng cáo “kem nguyên tử”, khiến bà con hết sức tò mò, lũ lượt kéo nhau đi xem và ăn thử. Thực ra đó chỉ là cách quảng cáo để bán hàng vì thời kỳ này hàng hóa Mỹ như vải kaki, kính râm, phim ảnh xuất hiện tràn lan tại Hà Nội và người Mỹ cùng với Liên Xô đã chế tạo ra bom nguyên tử, mở ra thời đại nguyên tử cho thế giới. Và họ gắn từ nguyên tử vào để chỉ hàng hóa mới.