DBD (Khuyến nghị Trung lập): Tăng trưởng mạnh tại kênh bệnh viện
Chứng khoán SSI: Sau khi tham dự cuộc họp với chuyên viên phân tích do DBD tổ chức vào ngày 22/9/2023, chúng tôi đã điều chỉnh tăng dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 1,7 nghìn tỷ đồng (tăng 9% svck) và 291 tỷ đồng (tăng 19% svck) (xem bảng 1), sau khi kênh bệnh viện tăng trưởng mạnh trong 6T2023 và chúng tôi kỳ vọng mảng thuốc kê đơn tại bệnh viện sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2023 đủ để bù đắp cho mức tiêu dùng yếu dành cho kênh nhà thuốc. Chúng tôi cũng đưa ra dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2024 lần lượt là 1,9 nghìn tỷ đồng (tăng 10% svck) và 321 tỷ đồng (tăng 10% svck), với giả định cạnh tranh mạnh từ thuốc nhập khẩu, cũng như chi phí tài chính và chi phí quản lý cao hơn.
Chúng tôi cũng tăng giá mục tiêu 1 năm từ 43.900/cổ phiếu lên 59.000 đồng/cổ phiếu, khi kết hợp giữa phương pháp DCF và P/E mục tiêu là 13x (tăng từ 12x). Tuy nhiên, sau khi công bố kế hoạch phát hành riêng lẻ với mức giá tối thiểu là 50.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu DBD đã có sự phục hồi mạnh gần đạt mức giá mục tiêu, do đó chúng tôi hạ khuyến nghị từ KHẢ QUAN xuống TRUNG LẬP đối với cổ phiếu DBD, với tổng mức sinh lời là 10,3% (bao gồm 4% lợi suất cổ tức).
Trong nửa đầu năm 2023, kênh bệnh viện tăng trưởng mạnh (đặc biệt là thuốc điều trị ung thư). Doanh thu kênh bệnh viện (ETC) tăng 35% svck, trong khi thuốc kênh nhà thuốc (OTC) chỉ tăng 7% svck (xem Biểu đồ 1). DBD công bố doanh thu thuần và LNST 6T2023 cao hơn kỳ vọng, lần lượt ở mức 796 tỷ đồng (tăng 14% svck) và 140 tỷ đồng (tăng 27% svck).
Dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn EU-GMP phải đợi ít nhất đến năm 2025 do nhà máy cần cải tiến cho phù hợp điều kiện cấp chứng nhận EU-GMP (kế hoạch ban đầu được cấp trong nửa đầu năm 2024). Giấy chứng nhận cho dòng thuốc tiêm điều trị ung thư sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho DBD trong việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công. Ngoài ra, một dây chuyền mới sản xuất thuốc viên điều trị ung thư đang được lắp đặt tại cùng nhà máy này, dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2026 với công suất 65 triệu liều/năm.
Triển vọng ngắn hạn: Công ty đặt ước tính Q3/2023 đạt doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 4% và 11% svck (Xem bảng 1). Chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trong nửa cuối năm 2023 (tăng 5% svck) so với nửa đầu năm 2023 (tăng 27% svck).
Triển vọng dài hạn: DBD có thể tiếp tục đạt tăng trưởng và nắm lợi thế cạnh tranh trong các phân khúc điều trị ngách với nhiều sản phẩm hơn và các dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP mới (chi tiết bảng 3 Phụ lục 1).
Yếu tố hỗ trợ tăng/giảm đối với khuyến nghị: Nhu cầu thuốc không kê đơn cao/thấp hơn dự kiến, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.
DPG (Khuyến nghị Mua): Đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn 2024–2025
Chứng khoán Mirae Asset: CTCP Tập đoàn Đạt Phương (DPG) báo cáo doanh thu 6T23 đạt 1.159 tỷ đồng (-14% YoY) và lợi nhuận gộp 271 tỷ đồng (-41% YoY). Lợi nhuận gộp giảm đáng kể do doanh thu từ bất động sản sụt giảm, khi đây là phân khúc chiếm 31% lợi nhuận gộp năm ngoái. Do đó LNST của công ty mẹ giảm đáng kể xuống còn 87 tỷ đồng từ 210 tỷ đồng (-58% YoY).
Mảng Xây dựng: Trong nửa đầu năm 2023, DPG đã trúng thầu một số hợp đồng xây dựng, chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cầu và đường cao tốc. Ban lãnh đạo kỳ vọng phân khúc cơ sở hạ tầng sẽ chiếm phần lớn doanh thu trong năm tài chính 2023. Tuy nhiên, trong khi dự báo tăng trưởng cho doanh thu ở phân khúc này trong năm nay, chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm trong 12–24 tháng tới do sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong phân khúc xây dựng hạ tầng.
Mảng Năng lượng: Thủy điện vẫn đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận gộp, mặc dù lợi nhuận gộp giảm xuống 218 tỷ đồng từ 270 tỷ đồng (-19% YoY). Một đợt hạn hán ngắn nhưng nghiêm trọng trong quý 2 năm nay đã làm cạn kiệt các hồ thủy điện trên cả nước. Kết quả là sản lượng điện được tạo ra từ các nhà máy thủy điện đã giảm đáng kể.
Chúng tôi đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng doanh thu năm 2023 của DPG xuống-7,9% (YoY) từ +2,9% (YoY) trong báo cáo trước đó, với tốc độ tăng trưởng khác nhau cho từng lĩnh vực.
Cho năm 2023, chúng tôi hạ dự báo doanh thu và LNST của công ty mẹ xuống lần lượt là 3.056 tỷ đồng (-7,9% YoY) và 195 tỷ đồng (-49,2% YoY), với EPS ở mức 3.090 đồng (-48,9% YoY).
Chúng tôi áp dụng phương pháp định giá DCF để xác định mức giá hợp lý là 44.733 đồng/cổ phiếu, do đó chúng tôi nâng giá mục tiêu lên 44.733 đồng/cổ phiếu (từ 35.322 đồng). Hầu hết việc định giá lại đến từ việc thay đổi hệ số nhân định giá và giảm lãi suất chiết khấu để phản ánh môi trường lãi suất đang trong xu hướng giảm.
ACB (Khuyến nghị Mua): Nợ xấu tăng nhưng trong tầm kiểm soát
Chứng khoán KB Việt Nam: ACB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 8,024 tỷ đồng (+16% YoY), trong đó thu nhập lãi thuần đóng góp 6,246 tỷ (+11% YoY), các nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng mạnh mẽ. Chi phí dự phòng trong Q2/2023 là 706 tỷ đồng – tăng mạnh do phần trích lập dự phòng nợ xấu của CIC. Theo chia sẻ của BLĐ, ACB kỳ vọng 6 tháng cuối năm sẽ hoàn nhập lại đối với khoản trích lập CIC này.
KHCN còn gặp nhiều khó khăn trước tác động của nền kinh tế nên ACB đã dịch chuyển cơ cấu tín dụng sang nhóm KHDN lớn để phù hợp với bối cảnh hiện tại. Hạn mức tín dụng mới được NHNN cấp là 14.5%, ACB kỳ vọng tín dụng sẽ tăng tốc trong thời gian tới và ngân hàng sẽ hoàn thành hạn mức được giao.
Nợ xấu nhóm 2 và nhóm 3 trong quý 2 tăng lần lượt 4%, 16% so với quý trước cho thấy nợ các nhóm này đang tăng chậm lại. KBSV kỳ vọng tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ giảm trong 2 quý tới khi tình hình tài chính của khách hàng được cải thiện hơn giúp ACB giảm bớt gánh nặng trích lập. Tỷ lệ NPL được chúng tôi dự báo ở mức thận trọng là 1.15%.
Sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi giữ nguyên mức giá mục tiêu cho năm 2023 của cổ phiếu ACB là 30,100 VND/cp, cao hơn 37.0% so với giá tại ngày 25/09/2023. Khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu ACB.