LPB (Khuyến nghị Kém khả quan): NIM cải thiện nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức cao nhất trong 5 năm
Chứng khoán Vietcap: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2023 với thu nhập thuần từ HĐKD (TOI) đạt 9,1 nghìn tỷ đồng (-12,9% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (-23,4% YoY), hoàn thành lần lượt 68,9% và 76,4% dự báo năm 2023 của chúng tôi. LNST quý 3/2023 của LPB đạt 993 tỷ đồng (+40,2% QoQ; +0,6% YoY). Chúng tôi nhận thấy không có thay đổi đáng kể nào đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi đối với LPB, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Tăng trưởng cho vay 9 tháng đầu năm 2023 đạt 11,9% và tăng trưởng cho vay quý 3/2023 đạt 4,0% QoQ. Chúng tôi lưu ý rằng LPB không có số dư trái phiếu doanh nghiệp tính đến quý 3/2023.
Tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 5,8% so với dự báo cả năm của chúng tôi là 12,0% YoY. Trong quý 3/2023, tỷ lệ CASA của LPB tăng 1 điểm cơ bản YoY nhưng giảm 94 điểm cơ bản QoQ đạt 6,3%. Chúng tôi nhận thấy trong 3 năm qua, tỷ lệ CASA thường thấp nhất trong quý 3.
NIM 9 tháng đầu năm 2023 đạt 3,13% (-104 điểm cơ bản YoY), phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. NIM quý 3/2023 đạt 3,07% (+12 điểm cơ bản QoQ).
Thu nhập ngoài lãi (NOII) 9 tháng đầu năm 2023 NOII đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (-6,2% YoY), hoàn thành 66,1% dự báo cả năm của chúng tôi — bao gồm cả giả định của chúng tôi về phí bancassurance trả trước. Không bao gồm giả định về phí bancassurance trả trước của chúng tôi, NOII 9 tháng đầu năm 2023 đã hoàn thành 113% dự báo cả năm của chúng tôi.
Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 9 tháng đầu năm 2023 tăng 9,4 điểm % YoY đạt 45,6% so với dự báo cả năm của chúng tôi là 45,0% do TOI giảm 12,9% YoY và chi phí hoạt động tăng 9,6% YoY.
Chất lượng tài sản giảm so với quý trước với tỷ lệ nợ xấu tăng 56 điểm cơ bản đạt 2,79% trong quý 3/2023 – mức cao nhất trong 5 năm qua – so với dự báo cả năm của chúng tôi là 1,70%. LPB không có khoản xử lý nợ bằng dự phòng nào trong quý 3/2023. Tuy nhiên, điểm tích cực là tỷ lệ nợ Nhóm 2 trong quý 3/2023 giảm 3 điểm cơ bản QoQ xuống 1,24%.
Chi phí tín dụng chuẩn hóa hàng năm trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 0,65% (so với 1,35% vào năm 2022). Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của LPB đạt 67,4% (-11 điểm % QoQ; -76 điểm % YoY).
NIM giảm YoY nhưng tăng QoQ. LPB báo cáo NIM 9 tháng đầu năm 2023 giảm 104 điểm cơ bản YoY xuống 3,13%, chủ yếu là do chi phí huy động (COF) tăng 225 điểm cơ bản YoY, ảnh hưởng nhiều hơn so với mức tăng 97 điểm cơ bản YoY của lợi suất trên tài sản sinh lãi (IEA). Chúng tôi cho rằng lợi suất IEA tăng chậm hơn so với COF có thể là do chất lượng tài sản sụt giảm đáng kể và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ giảm.
Trên cơ sở QoQ, NIM quý 3/2023 tăng 12 điểm cơ bản do COF giảm 38 điểm cơ bản QoQ cao hơn mức giảm 19 điểm cơ bản QoQ của lợi suất IEA, mà chúng tôi cho rằng một phần là do tác động trễ của việc cắt giảm lãi suất.
Lãi từ giao dịch ngoại hối tăng mạnh trong quý 3/2023 giúp thu hẹp mức giảm của NOII so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023 so với kết quả nửa đầu năm. NOII 9 tháng đầu năm 2023 của LPB giảm 6,2% YoY (so với mức giảm 28,5% YoY trong nửa đầu năm 2023) do (1) thu nhập phí ròng giảm 17,9% YoY mà chúng tôi cho rằng có thể một phần là do doanh thu bancassurance yếu và (2) lãi ròng 26 tỷ đồng từ chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư so với mức lãi 343 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022 đến từ việc bán cổ phần của LPB tại Sacombank (STB).
Những khoản này được bù đắp một phần bởi mức tăng 15 lần YoY của lãi từ kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng đầu năm 2023 từ 25 tỷ đồng lên 369 tỷ đồng. Lãi từ giao dịch ngoại hối trong quý 3/2023 đạt 205 tỷ đồng (+11 lần QoQ).
Chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2023 giảm 31,3% YoY trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu tăng cao, hoàn thành 51,9% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục nhận thấy tỷ lệ hình thành nợ xấu cao tại LPB trong quý 3/2023 với tỷ lệ nợ xấu tăng 56 điểm cơ bản QoQ và 139 điểm cơ bản YoY lên mức cao nhất trong 5 năm là 2,79%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2023 giảm 31,3% YoY xuống còn 1,3 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng ngân hàng tiếp tục tận dụng bộ đệm dự phòng để giảm bớt áp lực dự phòng trong quý 3/2023. LLR quý 3/2023 là 67,4% - mức thấp nhất kể từ năm 2017.
KDH (Khuyến nghị Mua): Vững vàng tiến bước
Chứng khoán Phú Hưng: Kết quả kinh doanh: Trong 2Q2023, KDH ghi nhận doanh thu thuần 587 tỷ đồng (-20% YoY) và lợi nhuận ròng 248 tỷ đồng (-25% YoY). Kết quả đến từ việc ghi nhận chuyển nhượng các lô đất nền và bàn giao nhà tại dự án Classia. Trong kỳ, KDH tiếp tục bán hàng tại dự án Classia (176 sản phẩm). Tính đến hết quý 2/2023, dự án này đã mở bán được khoảng 90% và bàn giao được 65%. Chúng tôi kỳ vọng trong 2H2023, phần còn lại của dự án này sẽ được bàn giao hoàn toàn.
Đến cuối 6T2023, KDH ghi nhận doanh thu thuần 1,012 tỷ đồng (+12% YoY) và lợi nhuận sau thuế là 458 tỷ đồng (-27% YoY). Do thị trường bất động sản ảm đạm, KDH chỉ hoàn thành 33% kế hoạch doanh thu và 26% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Dự phóng: Trong 2H2023, Chúng tôi kỳ vọng rằng KDH sẽ tiếp tục hoàn tất việc bán hàng tại dự án Classia và mở bán dự án mới là The Privia. Theo đó, chúng tôi dự báo KDH có thể ghi nhận doanh thu 2,687 (-8% YoY) và lợi nhuận sau thuế là 1,008 tỷ đồng (-9% YoY).
Điểm nhấn đầu tư: Sở hữu quỹ đất sạch, rộng lớn hơn 650 hecta tại quận 2, quận 9 (thành phố Thủ Đức) và huyện Bình Chánh sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho KDH khi quỹ đất sạch tại thành phố Hồ Chí Minh đang khan hiếm. Các dự án phát triển đang được triển khai như Privia, Solina, Emeria và Clarita sẽ đóng góp doanh thu và lợi nhuận cho KDH trong ba năm tới.
Các dự án quy mô như Khu dân cư Tân Tạo (330ha), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (110ha) và Khu dân cư Phong Phú 2 (130ha) được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế kinh doanh của Khang Điền và đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhờ vào cơ cấu vốn an toàn cùng với cộng tác cùng nhà phát triển dự án đến từ Singapore-Keppel Land, KDH có thể tiếp tục triển khai các dự án đầu tư mới để duy trì đà tăng trưởng trong tương lai. Tính đến 1H2023, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của KDH là 43%, là một trong những doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp nhất ngành BĐS.
Định giá & khuyến nghị: Chúng tôi sử dụng phương pháp NAV để xác định giá trị thực cổ phiếu KDH, giá trị hợp lý cho mỗi cổ phiếu là 40,900 đồng. Mức giá hợp lý này cao hơn 40% so với mức giá giao dịch chốt ngày 19/10/2023. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu KDH.
Rủi ro: (1) Rủi ro chu kỳ ngành BĐS, (2) Rủi ro trì hoãn tại dự án Tân Tạo.
TPB (Khuyến nghị Khả quan): NIM cải thiện nhưng chất lượng tín dụng tiếp tục suy giảm
Chứng khoán Vietcap: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2023 với thu nhập thuần từ HĐKD (TOI) đạt 11,8 nghìn tỷ đồng (-1,4% YoY) và LNST đạt 4,0 nghìn tỷ đồng (-16,3% YoY), hoàn thành lần lượt 72,8% và 61,5% dự báo cả năm của chúng tôi. LNST quý 3/2023 đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (-2,4% QoQ và -26,2% YoY). Chúng tôi nhận thấy rủi ro giảm đối với dự báo lợi nhuận cho TPB, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 đạt 7,2%, đến từ (1) tăng trưởng cho vay đạt 11,8% và (2) số dư trái phiếu doanh nghiệp của TPB giảm 26,6%. Chúng tôi lưu ý rằng số dư trái phiếu doanh nghiệp của TPB chiếm 8,1% tổng dư nợ tín dụng tính đến quý 3/2023 so với mức 11,8% trong quý 4/2022.
Số dư tiền gửi của khách hàng 9 tháng đầu năm 2023 giảm nhẹ 0,6% so với dự báo cả năm của chúng tôi là +7,0% YoY. Ngoài ra, tỷ lệ CASA của TPB đã tăng 90 điểm cơ bản QoQ đạt 17,3%, gần bằng mức CASA trong quý 3/2022.
NIM 9 tháng đầu năm 2023 đạt 3,63% (-46 điểm cơ bản YoY) nhưng riêng NIM quý 3/2023 đạt 3,74% (+29 điểm cơ bản QoQ), phù hợp với dự báo của chúng tôi rằng NIM tăng mạnh hơn trong nửa đầu năm 2023. Chúng tôi hiện dự báo NIM năm 2023 của TPB đạt 3,74%.
Thu nhập phí ròng (NFI) 9 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh (+18,0% YoY) và hoàn thành 75,0% dự báo cả năm của chúng tôi do phí từ dịch vụ thanh toán (+17,3% YoY) bù đắp cho hiệu quả hoạt động kém hiệu quả của mảng bancassurance (-56,1%).
Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 9 tháng đầu năm 2023 tăng 5,2 điểm % YoY đạt 41,2% so với dự báo cả năm của chúng tôi là 39,7% do TOI giảm 1,4% YoY. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 12,9% YoY trong 9 tháng đầu năm 2023.
Chất lượng tài sản tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước và so với quý trước với tỷ lệ nợ xấu quý 3/2023 ở mức 2,97% (+76 điểm cơ bản QoQ và + 206 điểm cơ bản YoY) so với dự báo cả năm của chúng tôi là 2,03%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ Nhóm 2 tăng 26 điểm cơ bản QoQ đạt 3,77% trong quý 3/2023.
Chi phí tín dụng hàng năm trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 1,49% (so với 1,15% vào năm 2022) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) quý 3/2023 đạt 47,0% (so với mức 135,0% và 60,9% lần lượt vào năm 2022 và quý 2/2023).
NIM của TPB tăng trở lại so với quý trước từ 3,45% trong quý 2/2023 lên 3,74% trong quý 3/2023. Nhờ lãi suất huy động giảm nhanh kể từ tháng 5/2023, chi phí vốn của TPB giảm 70 điểm cơ bản QoQ, bù đắp cho mức giảm 39 điểm cơ bản QoQ trong lợi suất trên tài sản sinh lãi (IEA).
Môi trường lãi suất thấp hơn cũng thúc đẩy CASA của TPB tăng lên 17,3% trong quý 3/2023, tương ứng là +315 điểm cơ bản và +90 điểm cơ bản so với CASA quý 1 và quý 2. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng tỷ lệ cho vay/tổng huy động (LDR) theo quy định của TPB tương đối thấp (59% trong quý 2/2023 theo ước tính của chúng tôi) đã cho phép ngân hàng giảm số dư tiền gửi (-2,7% QoQ) và giấy tờ có giá (-20,3% QoQ) trong quý 3/2023, từ đó hỗ trợ tăng NIM quý 3/2023.
Chi phí dự phòng trong 9 tháng đầu năm 2023 của TPB đạt 116,0% dự báo cả năm của chúng tôi. Trong quý 3/2023, TPB đã tích cực xử lý nợ xấu lên tới 1,3 nghìn tỷ đồng, trong khi dư nợ nhóm 5 trong quý 2/2023 chỉ là 636 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng một khoản lớn trong các khoản cho vay được xử lý trong quý 3/2023 là các khoản cho vay tiêu dùng (khoản vay không có tài sản bảo đảm).
Cả tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ cho vay Nhóm 2 đều có xu hướng tăng lên trong quý 3/2023 (lần lượt +76 điểm cơ bản QoQ và +26 điểm QoQ). Mặc dù chi phí dự phòng của TPB tăng gấp 2,5 lần QoQ trong quý 3/2023, LLR vẫn tiếp tục giảm xuống 47,0% - mức thấp nhất kể từ năm 2018.