Do đó, theo chuyên gia, nhà đầu tư nên thận trọng, không nên giải ngân thời điểm này và có thể canh những nhịp hồi để hạ tỷ trọng danh mục.
Xu hướng tăng của thị trường bị ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng
Nhà đầu tư bị "dội một gáo nước lạnh" trong phiên đầu tuần khi chỉ số VN-Index giảm mạnh (-2,89%), đây là phiên giảm mạnh nhất từ tháng 8/2021 đến nay. Thanh khoản cũng có sự gia tăng so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán đã gia tăng nhưng vẫn chưa phải quá mạnh. Cổ phiếu ngân hàng dù đã rất cố gắng trong phiên sáng để giữ xanh chỉ số nhưng áp lực bán trong phiên chiều đã khiến nhóm này đảo chiều xuống sắc đỏ và làm cho mức giảm càng mạnh thêm, có thể kể đến như: STB (-6,9%), TCB (-2,3%), VPB (-5,2%), TPB (-4,1%), BID (-1,4%), SHB (-2,2%), HDB (-5,2%), LPB (-1,4%)...; chỉ còn lại VCB (+3,4%), KLB (+1,9%), NVB (+7,3%) là còn giữ sắc xanh tăng giá.
Nhóm chứng khoán cũng giảm hàng loạt, thậm chí giảm sàn như: SSI (-7%), VND (-6,9%), SHS (-9,9%), VCI (-6,9%), HCM (-7%), VIX (-7%), ART (-9,8%), MBS (-10%), CTS (-7%), TVC (-9,8%)... Cổ phiếu bất động sản và xây dựng tiếp tục thì tiếp tục bị bán tháo và kết phiên với mức giảm mạnh, thậm chí giảm sàn như: DIG (-6,9%), KBC (-6,9%), CEO (-10%), NLG (-6,9%), DXG (-6,9%), ITA (-6,7%), TCH (-6,9%), SCR (-6,8%), LDG (-6,8%), HQC (-6,9%), KDH (-6,9%), NBB (-7%), FIT (-6,9%), VCG (-7%), HBC (-7%), LCG (-6,8%), IJC (-6,9%), FCN (-6,9%)... Thị trường kết phiên ở mức thấp nhất. Cụ thể, VN-Index giảm 43,18 điểm (-2,89%) xuống 1.452,84 điểm. Độ rộng trên sàn HoSE là tiêu cực với 446 mã giảm (125 mã giảm sàn), 18 mã tham chiếu, chỉ có 49 mã tăng (3 mã tăng trần).
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), sau phiên giảm ngày 17/1, VN-Index đã đánh mất vùng hỗ trợ trong khoảng 1.480-1.495 điểm (MA20-50) khiến cho xu hướng tăng của thị trường bị ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng.
“VN-Index đang có 2 ngưỡng hỗ trợ tâm lý tiếp theo lần lượt là 1.450 điểm và 1.400 điểm và vùng giá tạo bởi hai ngưỡng trên được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường trong phiên hôm nay 18/1. Lần gần đây nhất vào phiên 6/12/2021, VN-Index đã hồi phục sau khi chạm hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm trong phiên. Nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong phiên 12/1 có thể tiếp tục nắm giữ và canh những nhịp giảm điểm về vùng hỗ trợ 1.400-1.450 điểm trong phiên hôm nay để giải ngân thêm”, chuyên gia của SHS nêu ý kiến.
Nhà đầu tư chưa nên vội vàng bắt đáy
Còn theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), chỉ số VN-Index đã xuyên qua đường hỗ trợ MA50, chạm dải dưới của dải Bollinger Band và có xu hướng tìm về vùng hỗ trợ gần nhất quanh mốc 1.440 điểm.
“Thứ 5 tuần này sẽ diễn ra phiên đáo hạn phái sinh đầu tiên của năm 2022, dự báo thị trường có thể xuất hiện các biến động bất thường. Trước mắt, nhà đầu tư nên thận trọng, không nên giải ngân thời điểm này và có thể canh những nhịp hồi để hạ tỷ trọng danh mục”, chuyên gia của Agriseco lưu ý.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, lực bán mạnh về cuối phiên 17/1 kích hoạt tâm lý khá tiêu cực và tạo hiệu ứng dây chuyền trên thị trường. Mặc dù vậy, điểm tích cực là thanh khoản cả về giá trị lẫn khối lượng chưa thực sự đột biến cho thấy đà giảm có thể sẽ không kéo dài lâu.
“Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến chuyện hạn chế rủi ro và bảo vệ thành quả đầu tư sau một giai đoạn chỉ số chung đã tăng điểm tích cực và “lập đỉnh” trước đó. Nhà đầu tư tạm thời chưa nên vội vàng bắt đáy trong giai đoạn thị trường vẫn đang biến động mạnh như hiện tại, và vẫn nên cân nhắc chốt lời danh mục ngắn hạn cũng như loại bỏ các cổ phiếu đầu cơ ra khỏi danh mục, đồng thời hạ tỷ trọng đòn bẩy và tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư với các mức cắt lỗ đã đề ra của các cổ phiếu đang nắm giữ trong danh mục hiện tại”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị.