Chứng khoán hôm nay 8/2: VN-Index rung lắc quanh 1.500 điểm

Google News

Với mẫu hình nến trong phiên 7/2, VN-Index có thể sẽ có những rung lắc cũng như giằng co quanh ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong phiên hôm nay 8/2.

Tuy nhiên, những rung lắc này sẽ sớm qua đi để bước vào 1 nhịp tăng điểm hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.530-1.550 điểm.
Giằng co quanh ngưỡng 1.500 điểm
Thị trường chứng khoán khởi đầu năm mới Nhâm Dần 2022 với sắc xanh chiếm ưu thế trên sàn giao dịch. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/2, VN-Index tăng 18,7 điểm (+1,26%) lên 1.497,66 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là rất tích cực với 382, mã tăng (64 mã tăng trần), 32 mã tham chiếu, 91 mã giảm (3 mã giảm sàn). Điểm chưa tích cực hiện tại là thanh khoản vẫn ở mức dưới trung bình phiên thứ 12 liên tiếp cho thấy một bộ phận nhà đầu tư vẫn chưa quay trở lại thị trường.
Cổ phiếu ngân hàng là đầu tàu của thị trường vào đầu phiên giao dịch, nhưng về chiều áp lực chốt lời ở nhóm này diễn ra khiến mức tăng của thị trường chung bị thu hẹp đáng kể, có thể kể đến các mã như: STB (+0,1%), MBB (+0,3%), SHB (+2,7%), HDB (+0,6%), ACB (+0,4%), VCB (+3,8%), MSB (0,7%), OCB (+0,4%), ABB (+1,3%)... Nhóm cổ phiếu chứng khoán hòa chung với sắc xanh của thị trường với hàng loạt mã tăng mạnh: SSI (+1,8%), VND (+2%), VCI (+4,6%), SHS (+2,8%), HCM (+3,6%), VIX (+5%)... Cổ phiếu bất động sản xây dựng có sự phân hóa mạnh khi một loạt các mã tăng mạnh thậm chí tăng trần như: FLC (+6,8%), SCR (+6,7%), ITA (+6,9%), LDG (+7%), BII (+9,5%), ROS (+6,9%)...
 Chung khoan hom nay 8/2: VN-Index rung lac quanh 1.500 diem
Thị trường chứng khoán khởi đầu năm mới Nhâm Dần 2022 với sắc xanh chiếm ưu thế.
Ở chiều ngược lại, một số mã lại giảm mạnh, thậm chí giảm sàn như: DIG (-6,9%), CEO (-10%), DPG (-6,9%), L14 (-10%)...
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường mở đầu năm Nhâm Dần với sắc xanh áp đảo trên các mã cổ phiếu là khá dễ hiểu khi mà sau một kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, tâm lý các nhà đầu tư trở nên tích cực hơn và kỳ vọng về một năm tăng điểm nữa của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thanh khoản trong phiên 7/2 vẫn thấp hơn trung bình trong phiên thứ 12 liên tiếp cho thấy một bộ phận nhà đầu tư vẫn chưa quay trở lại thị trường.
“Với mẫu hình nến trong phiên 7/2 thì có thể thấy là thị trường có thể sẽ có những rung lắc cũng như giằng co quanh ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong phiên hôm nay 8/2. Tuy nhiên, những rung lắc này có thể sẽ sớm qua đi để bước vào một nhịp tăng điểm hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.530-1.550 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng 4). Các nhà đầu tư đã mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 như khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục để tận dụng xu hướng tăng của thị trường”, chuyên gia của SHS nhận định.
Áp lực điều chỉnh giảm có xu hướng gia tăng
Còn theo ông Lê Văn Thành, chuyên viên phân tích Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán, Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), VN-Index khai phiên đầu năm với một sự tích cực trong tâm lý giao dịch của các NĐT giúp chỉ số đầu phiên mở gap tăng mạnh, lực bán xuất hiện mạnh vào một số cổ phiếu ngành BĐS đặc biệt là VIC (-6%) và khiến chỉ số tạo một cây nến Doji với bóng nến trên khá dài.
“Thị trường đang nỗ lực lấy lại xu hướng tăng, tuy nhiên, chưa có sự xác nhận của thanh khoản. Phía trước vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh 1.508 – 1.521 điểm, do đó, nhà đầu tư cần quan sát phản ứng của chỉ số với vùng kháng cự này để xác nhận rõ ràng xu hướng của thị trường trong thời gian tới và nên thận trọng giải ngân, chỉ nên tham gia mua thăm dò 20-30% tài khoản để lấy sẵn vị thế”, ông Lê Văn Thành lưu ý.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, áp lực điều chỉnh giảm có xu hướng gia tăng khi chỉ số vượt lên khỏi ngưỡng 1.500 điểm là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường vẫn đang thiếu vắng một động lực hỗ trợ đủ mạnh.
“VN-Index sẽ cần thêm thời gian để tích lũy và ổn định lại mặt bằng giá quanh vùng điểm số 1.490 – 1.500. Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi cũng như sử dụng đòn bẩy với tỷ trọng lớn, đồng thời, tiếp tục nắm giữ danh mục và chỉ nên tìm kiếm cơ hội giải ngân tại những thời điểm mà giá các cổ phiếu mục tiêu có sự điều chỉnh giảm đi cùng những nhịp rung lắc của thị trường chung. Cơ hội sẽ nằm ở những cổ phiếu vốn hóa lớn có triển vọng tăng trưởng ổn định trong năm 2022, đồng thời giá vẫn chưa thực sự bứt phá trong tương quan với chỉ số chung”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị.
Theo DIỆP DIỆP/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)