Theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2023, Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng (sinh năm 1973) hưởng mức lương 75 triệu đồng/tháng kể từ tháng 6/2018. Tuy nhiên, mức lương năm 2022 (sau thuế) của ông Dũng lên đến 3,1 tỷ đồng.
Trong khi đó, phần thu nhập thực nhận năm 2022 của Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1974) là 2,999 tỷ đồng.
Cả hai lãnh đạo đều là những người gắn bó với Vietcombank ngay từ sau khi tốt nghiệp đại học và chỉ làm tại ngân hàng này từ đó đến nay.
Tại đại hội tới đây, Vietcombank dự kiến bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2023-2028. Số lượng thành viên HĐQT dự kiến là 8 người, trong đó có một thành viên HĐQT độc lập.
Trong sơ yếu lý lịch các ứng viên được đề cử bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028, có 6 thành viên đương nhiệm gồm: ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Thanh Tùng (Tổng Giám đốc); ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hào và ông Hồng Quang đều là thành viên HĐQT.
Vietcombank sắp tổ chức ĐHĐCĐ 2023. (Ảnh: MK)
Danh sách trên thiếu hai thành viên đương nhiệm là ông Shojiro Mizoguchi (Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc, người đại diện phần vốn của Mizhuo Bank tại Vietcombank) và ông Trương Gia Bình (thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT).
Ông Trương Gia Bình được bầu vào HĐQT Vietcombank tại ĐHĐCĐ năm 2018. Trong khi, ông Shojiro Mizoguchi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc, kiêm thành viên HĐQT thay cho ông Eiji Sasaki từ tháng 4/2021.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên HĐQT độc lập tại một doanh nghiệp không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình mới chỉ làm được một nhiệm kỳ.
Viecombank không cho biết cụ thể ông Trương Gia Bình và ông Shojiro Mizoguchi có tiếp tục tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới hay không. Tài liệu ĐHĐCĐ của ngân hàng này cũng không công bố sơ yếu lý lịch của ứng viên HĐQT độc lập và thành viên HĐQT đại diện phần vốn của đối tác chiến lược.
Theo quy chế bầu cử của ĐHĐCĐ Vietcombank, ứng viên HĐQT phải đáp ứng tiêu chuẩn có ít nhất 3 năm là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 5 năm là người quản lý, người điều hành của doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc của doanh nghiệp khác có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng hoặc có ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp tại bộ phận nghiệp vụ về tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.
Đối với thành viên HĐQT độc lập, phải đáp ứng tiêu chí: không phải là người đang làm việc tại Vietcombank hoặc công ty con của Vietcombank; không phải là người đã làm việc cho Vietcombank hoặc công ty con của Vietcombank trong 3 năm liền kề trước đó.
Thành viên HĐQT độc lập không phải là người hưởng lương, thù lao thường xuyên của Vietcombank, ngoài những khoản phụ cấp của thành viên HĐQT theo quy định.
Thành viên HĐQT độc lập không phải là người có vợ/chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em là cổ đông lớn tại Vietcombank, người quản lý hoặc thành viên Ban kiểm soát (BKS) hoặc công ty con của Vietcombank.
Thành viên HĐQT độc lập không trực tiếp, gián tiếp sở hữu hoặc đại diện sở hữu từ 1% vốn điều lệ; không cùng người có liên quan sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại Vietcombank; không phải là người quản lý, thành viên BKS của Vietcombank tại bất kỳ thời điểm nào trong 5 năm liền kề trước đó.
Người được đề cử làm thành viên HĐQT Vietcombank phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản và luôn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật và điều lệ của ngân hàng.