Những ngày này, toàn thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhà ở đâu ở yên đó. Người dân được phát phiếu đi chợ theo ngày, theo giờ quy định để hạn chế sự lây lan, cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid-19.
Song, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình, nhiều bà nội trợ ít đi chợ hơn hẳn chuyển sang mua hàng online. Điều này khiến các chợ dân sinh không còn tấp nập như trước, khách đến mua cũng thưa thớt hơn nên hàng hóa tiêu thụ chậm.
Trước tình hình bán hàng rau củ ngoài chợ chậm hơn hẳn mọi ngày, chị Nam Hoàng ở chợ Lĩnh Nam, Hoàng Mai (Hà Nội) hơn một tuần nay chủ động rao bán rau củ có trong sạp mỗi ngày lên facebook để phục vụ khách hàng khu vực chị ở.
|
Các loại rau được chia thành túi để chuẩn bị ship cho khách |
|
Rau của, thịt cá tại Hà Nội những ngày giãn cách giá hầu như không tăng |
|
Quầy thịt cũng bán online, ship về tận nhà cho khách |
Chị Hoàng chia sẻ, khi chưa dịch bệnh, chị có một danh sách khách hàng quen, muốn ăn gì chỉ cần gọi điện nhờ chị chuẩn bị trước. Lúc tiện, khách qua chỗ quầy chị lấy cho nhanh, không thì chị mang qua tận nhà. Từ khi dịch bệnh xảy ra, những vị khách ruột này thay vì đến mua hàng trực tiếp tại chợ, họ gọi điện đặt mua rau củ và nhờ chị ship tận nhà.
“Đi ship hàng, ai cũng bảo sao tôi không đăng các món rau củ từng ngày bán lên facebook để thông báo cho mọi người biết. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng mở shop bán rau củ online. Vì đăng bài trên facebook cá nhân và trong hội nhóm chợ làng Lĩnh Nam bán kính 2-3km nên ngoài khách hàng quen cứ vài ngày đặt hàng một lần, tôi có thêm những khách hàng mới”, chị Hoàng nói.
Cứ vài ngày, nếu chưa thấy khách đặt mua thực phẩm, tiểu thương này chủ động gọi cho khách hỏi nhu cầu mua rau củ quả gì, số lượng bao nhiêu để ship miễn phí đến tận nhà.
“Ngày dịch, mọi người đều hạn chế ra đường nên thấy những chủ sạp rau củ liên hệ vậy, hầu như ai cũng tranh thủ đặt hàng. Họ đọc loại rau củ và trọng lượng cần mua tôi hoặc gửi cho tôi qua tin nhắn zalo, facebook. Tôi chỉ việc lưu lại đơn của mỗi nhà và lựa chọn đúng thực phẩm, số lượng họ cần”, chị Hoàng cho biết.
Để quầy rau củ online bán đắt khách mùa dịch, chị vẫn giữ giá như ngày thường. Đặc biệt, chị luôn lựa chọn những thực phẩm tươi ngon nhất và giao hàng nhanh nhất có thể.
|
Cá khô chị Oanh bán giá vẫn như ngày thường |
“Các đơn hàng buổi sáng mình cố gắng giao trong buổi sáng, đơn buổi chiều cũng giao ngay trong chiều. Vì khách mua đều ở quanh khu vực chợ Lĩnh Nam khoảng 2-3km nên việc ship cũng rất thuận tiện. Chỉ cần chọn lựa thực phẩm tươi ngon cho khách thì ai cũng thích và tin tưởng đặt tiếp”, chị chia sẻ.
Nói về việc thanh toán khi mua hàng online, tiểu thương này cười bảo, hầu hết khách hàng đều chuyển khoản. Một số khách gửi tiền mặt thì cho tiền vào túi nilon khi đến giao hàng đưa cho ship, giữ đúng khoảng cách nhận hàng.
Chị Oanh, 40 tuổi - một tiểu thương bán cá khô và bán thịt lợn, thịt bò tại chợ Trung Văn, Hà Nội những ngày này ngoài bán tại chợ, chị thường để ý tin nhắn điện thoại, facebook, zalo để xem khách đặt hàng. Sau đó, chị sẽ chọn thịt cá và chuyển đến tận nhà cho khách.
“Do dịch bệnh, cứ bắt đầu bày bán 2 sạp thịt lợn, thịt bò là mình lại tranh thủ đăng facebook cá nhân, group chợ dân sinh cùng địa bàn để bán hàng. Mình ghi rõ giá cả từng phần thịt cá công khai để khách dễ chọn, đảm bảo thịt cá y hình ảnh đăng tải, không 'treo đầu dê bán thịt chó'. Khách đặt mua đơn nào mình sẽ ship nhanh đơn đó. Tuy nhiên, mình chỉ giao quanh phường mình ở thôi”, chị Oanh cho hay.
|
Nhiều bà nội trợ ngại ra đường nên nhắn tin nhờ người mua hộ hoặc nhờ tiểu thương ship hàng về tận nhà |
|
Hàng đóng gói, cho vào túi chuẩn bị ship cho khách |
|
Thông thường, 2-3 ngày khách đặt mua thực phẩm một lần |
Thông thường bán hàng online mùa dịch, nếu khách ở dưới 3km chị Oanh sẽ ship miễn phí. Còn những khách cách xa 5km, chị sẽ tính thêm 10.000-15.000 đồng.
“Bán hàng mùa dịch vất vả hơn ngày thường nhưng nhờ thay đổi hình thức kinh doanh, lại bán thịt cá tươi ngon, ngày nào hết ngày đó nên nhà mình vẫn có lượng khách ổn định. Ngày nào cũng có khoảng 20 khách quen nhắn tin đặt mua thực phẩm. Tất nhiên, mình vẫn giữ giá cũ để giữ chân khách”.
Chị Oanh cũng kể, giá thịt lợn, thịt bò và cá, vợ chồng chị vẫn bán giá bình thường. Cụ thể, thịt thăn lợn 130.000-140.000 đồng/kg, sườn 150.000 đồng/kg, thịt mông 120.000 đồng/kg; cá nục 75.000 đồng/kg, cá mối khô 95.000 đồng/kg...