Trong hoạt động kinh doanh, tiền mặt có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp. Việc chủ động về tiền mặt giúp các doanh nghiệp dễ dàng xử lý những tình huống trong kế hoạch kinh doanh đang diễn biến xấu đi. Việc sở hữu tiền mặt lớn cũng giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh trong tương lai.
Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đứt gãy dòng tiền để rồi gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Hàng loạt doanh nghiệp phải tìm cách cắt giảm bớt các chi phí để duy trì hoạt động, thậm chí phải đóng cửa do không tìm được nguồn tiền hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong đại dịch, Việt Nam vẫn có tới 4 đại gia sở hữu lượng tiền mặt lên tới cả tỷ USD tại thời điểm cuối quý 3/2021 (không tính các ngân hàng). Số doanh nghiệp sở hữu “kho” tiền mặt hàng chục tỷ đồng cũng lên tới cả chục cái tên nữa.
Cuối quý 3/2021, Việt Nam có 4 doanh nghiệp sở hữu kho tiền mặt lên tới hơn 1 tỷ USD - Ảnh minh họa
Theo báo cáo tài chính quý 3/2021 đã được các doanh nghiệp công bố, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long đã vươn lên trở thành “Vua” tiền mặt mới khi sở hữu “kho” tiền lên tới 34.800 tỷ đồng. Nhờ sở hữu kho tiền khổng lồ, sau 9 tháng đầu năm 2021, Hòa Phát có doanh thu hoạt động tài chính lên tới hơn 2.224 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, lượng tiền mặt của Hoà Phát đã tăng thêm tới 13.000 tỷ đồng từ mức 21.800 tỷ đồng từ đầu năm. Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long có được ngôi vị "ông vua tiền mặt" nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh mạnh mẽ. Sau 9 tháng, Hoà Phát lãi ròng 27.051 tỷ đồng, xếp thứ hai trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thống kê cho thấy, doanh nghiệp có lợi nhuận ròng lớn nhất 9 tháng đầu năm 2021 là Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với số lãi ròng lên tới 27.084 tỷ, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay mà Vinhomes ghi nhận được trong 3 quý đầu năm.
Đứng sau Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với “kho tiền” hơn 33.000 tỷ đồng. Trong đó, ACV đang có hơn 765,8 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền trên báo cáo tài chính.
Tại thời điểm 30/9, Công ty cũng đang đem hơn 32.400 tỉ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 12 tháng. Như vậy, cuối quý 3/2021, Công ty sở hữu lượng tiền mặt lên tới hơn 33.240 tỉ đồng. Cuối quý 3/2021, tổng tài sản của ACV là hơn 55.359 tỉ đồng, trong đó có hơn 60,1% là tiền mặt.
Ông vua tiền mặt thứ 3 trên sàn chứng khoán là Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với lượng tiền lên tới 29.403 tỷ đồng. Trong đó, VIC đang sở hữu hơn 9.000 tỷ đồng tiền mặt và hơn 20.327 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Sau 9 tháng đầu năm, VIC có doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 12.581 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số hơn 20.371 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Đứng thứ 4 trong danh sách những đại gia sở hữu lượng tiền mặt lên tới tỷ USD tại thời điểm kết thúc quý 3/2021 là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS). Cuối quý 3/2021, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 73.218 tỉ đồng, trong đó, có tới 29.588 tỉ đồng tiền mặt. Cụ thể, thời điểm 30/9, PVGAS có hơn 5.994 tỉ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, trong đó chủ yếu là các khoản tương đương tiền.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng sở hữu gần 23.595 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3-12 tháng, tăng hơn 9% so với đầu năm 2021. Lượng tiền mặt chiếm khoảng 40,4% tổng tài sản của PVGAS tại thời điểm cuối quý 3/2021.
Ngoài những “ông vua” tiền mặt lên tới cả tỷ USD kể trên, Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp sinh ra dòng tiền đều đặn từ hoạt động kinh doanh qua có làm tăng khối lượng tiền mặt, tiền gửi theo thời gian, cụ thể là: Vinamilk (21.800 tỷ đồng), FPT (21.500 tỷ đồng), Sabeco (18.700 tỷ đồng)…
Với Vinamilk, lượng tiền mặt của doanh nghiệp chủ yếu là lượng tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng. Trong thuyết minh báo cáo tài chính các quý trước đó, Vinamilk cho biết, lãi suất của các khoản tiền gửi này dao động từ 7,1-8,65% mỗi năm. Lượng tiền mặt (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền) của Vinamilk chiếm gần 41,9% tổng tài sản của Công ty tại thời điểm 30/9.
Trong số các doanh nghiệp nắm giữ tiền mặt và tiền gửi trên 10.000 tỷ tại thời điểm kết thúc quý 3/2021, những đơn vị chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ nhất so với đầu năm gồm có CTCP Thế giới Di động (MWG), CTCP Vinhomes (VHM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX),... Trong đó, MWG đứng thứ 18 trên bảng xếp hạng những doanh nghiệp sở hữu trên 10.000 tỷ đồng tiền mặt tính đến cuối quý 3/2021.