Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 1/4, nguồn tin từ Công an TP. Cần Thơ cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46 - Bộ Công an) phối hợp công an TP Cần Thơ thực hiện lệnh bắt giam ông Phan Bá Tòng và bà Trần Thị Diễm - 46 tuổi, kế toán trưởng Công ty Thiên Mã.
Cả hai bị bắt khi đang có mặt tại TP.HCM, bị điều tra về hành vi sai phạm về kinh tế liên quan đến các khoản vay tại một số ngân hàng tại TP Cần Thơ.
Tin tức trên báo VnExpress, xuất thân từ gia đình khá giả ở Cà Mau, Phan Bá Tòng (hiện 42 tuổi) được học hành chu đáo, đặc biệt rất giỏi tiếng Anh. Thời trẻ, Tòng rời quê lên Cần Thơ làm tiếp tân ở khách sạn trước khi trở thành tay pha chế rượu có tiếng ở đất Tây Đô được nhiều dân chơi, đại gia biết tới.
Khoảng năm 2000, Tòng thường phục vụ cho thương nhân người Mỹ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản. Thấy nam thanh niên giỏi ngoại ngữ, có đầu óc quản lý, ông này đề nghị hợp tác mở đại lý cung cấp hàng thủy sản sang Mỹ, chủ yếu là cá tra, basa phi lê.
|
Đại gia thủy sản Tòng thời còn "vàng son". (Ảnh: Dân Việt).
|
Nhờ tài sắp xếp đầu vào ổn định, chi phí cạnh tranh, các sản phẩm của Tòng được xuất qua Mỹ ngày một nhiều. Tiếp đó, một số chủ nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu hợp tác tốt và đứng ra đỡ đầu cho Tòng làm ăn. Cuộc đời Tòng "sang trang" từ đó.
"Anh ta nhỏ tuổi, mới vào nghề nhưng tham vọng rất lớn. Muốn trở thành bá chủ trong ngành chế biến cá tra, ba sa xuất khẩu ở miền Tây nên bằng mọi giá Tòng phải tổ chức sản xuất lớn", một đàn anh có thâm niên trong ngành thuỷ sản nói về Tòng.
Sau thời gian làm đại lý, năm 2005 Tòng tách ra thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã. Biệt danh Tòng Thiên Mã cũng xuất phát từ đây.
Làm ăn thuận lợi, là doanh nhân trẻ có uy tín, được sự hậu thuẫn của nhiều ngân hàng, Tòng chú tâm thực hiện ước mơ của mình. Ông chủ trẻ lần lượt xây 3 nhà máy chế biến thủy sản; 12 trang trại nuôi trồng khép kín quy mô 100 ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu 40.000 tấn mỗi năm. Báo cáo của ngành chức năng cho thấy, những lúc cao điểm công ty của Tòng xuất khẩu 50-70 triệu USD một năm, giải quyết việc làm cho 3.000-4.000 công nhân...
Báo Dân Việt đưa tin, tại TP.Cần Thơ, ông Tòng "Thiên Mã" từng được biết đến là một doanh nhân thành đạt, hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu cá tra, ba sa. Không chỉ là là một doanh nhân thành đạt, ông này còn được biết đến là một tay chơi thượng hạng, phóng khoáng, xài tiền như… nước.
Ở thời điểm đương thời, với vẻ ngoài hào nhoáng của mình cộng thêm có tiền, ông Tòng chơi ngông sắm xe hơi Hummer H2 (được cho là chống đạn, chống bom mìn, chống khủng bố) mang biển số “độc” 95H-3333.
Theo nguồn tin riêng của Dân Việt, chiếc xe Hummer chống “khủng bố” thường được ông Tòng đậu trên đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều, cạnh một quán nhậu có tiếng ở Cần Thơ. Sau đó, chiếc xe này có một thời gian ngắn nằm ụ ở garage xe bên khu vực cồn Khương, phường Cái Khế để… lánh nợ.
Theo giới thạo tin trong ngành thủy sản ở miền Tây, không những chơi trội, ông Tòng còn có thú vui tiêu khiển mỗi khi vào cuộc vui là xài tiền như nước, mỗi lần “boa” em út đều ngắt khúc tiền cọc.
Tiếp viên các quán nhậu sang trọng ở Cần Thơ mỗi khi đại gia Tòng đến rất mừng vì ngoài việc được "boa" hậu hĩnh. Chỉ cần ông ta nhờ mua vài trái chuối nướng, bắp... là các cô được nhận 500 đến một triệu đồng.
"Hồi đó cậu ấy phất lên ào ào, từng bàn với tôi kế hoạch mua máy bay trực thăng để phục vụ việc làm ăn, thăm vùng nuôi cá, vui chơi và phải sang Mỹ học lái", một doanh nhân ở Cần Thơ kể.
Ông cho biết thêm, thời điểm năm 2010, ngành cá tra Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng, công ty của Tòng cũng nằm trong vòng xoáy khắc nghiệt này. Cạnh tranh gay gắt với hàng trăm doanh nghiệp cùng ngành, nhất là các đơn vị làm ăn chụp giựt, phá giá. Trong khi nợ ngân hàng với lãi suất cao từ những lần vay trước ngày một lớn, Công ty Thiên Mã bắt đầu mất cân đối thu chi.
"Để cứu công ty bên bờ vực phá sản, như một số đại gia thủy sản khác ở miền Tây, Tòng Thiên Mã phải tìm cách vay thêm vốn mới để trả nợ cũ. Cứ thế ngày càng lún sâu trong nợ nần", doanh nghiệp đàn anh của Tòng chia sẻ.
Cuối năm 2012, Tòng tuyên bố công ty thua lỗ, mất khả năng thanh toán khoản nợ gần 600 tỷ đồng của các ngân hàng ở Cần Thơ, Hậu Giang và các doanh nghiệp, người dân nuôi cá… Cùng lúc anh ta kêu gọi các nhà đầu tư, công ty mua bán nợ tham gia tái cấu trúc; đề nghị các ngân hàng cho khoanh nợ...
Một số đơn vị đã mua lại hoặc trưng thu các nhà máy chế biến, trang trại của Tòng Thiên Mã . "Hiện có 2 nhà máy hoạt động gia công cá tra xuất khẩu rất cầm chừng với vài trăm công nhân. Hơn một năm qua, đơn vị này không có báo cáo quá trình hoạt động nữa", ông Võ Thanh Hùng - Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho hay.
Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, theo thông tin ban đầu, trong thời gian làm giám đốc công ty Thiên Mã, ông Tòng đã làm nhiều hồ sơ vay vốn các ngân hàng tại TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL, trong đó có nhiều hồ sơ thiếu minh bạch, số tiền chuyển sang nợ xấu hiện đã lên đến khoảng 700 tỉ đồng.
Một nguồn tin cũng cho biết, do rất “chịu chơi” dù không đầu tư vùng nguyên liệu nuôi cá tra nhưng ông Tòng sẵn sàng mua cá với giá cao để có nguyên liệu sản xuất xuất khẩu từ đó dẫn đến mất cân đối.
Khoảng hơn một năm nay phát hiện nhiều dấu hiệu mất cân đối tài chính nghiêm trọng, các ngân hàng đã dừng cho công ty này vay thêm, nên công ty của Tòng chỉ gia công sản phẩm cho các công ty khác cầm chừng.
Trong tối 31/3, một tổ công tác của C46 (Bộ Công an) cũng đã xuống Cần Thơ phối hợp công an TP Cần Thơ, công an phường Cái Khế, công an Q.Ninh Kiều tiến hành khám xét căn biệt thự của ông Tòng trong hẻm 75 đường Trần Phú và trụ sở công ty Thiên Mã tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, nhà riêng của bà Diễm (cũng ở Cần Thơ).
Qua khám xét, công an đã thu giữ một số tài liệu liên quan đến các hồ sơ, khoản vay vốn có vi phạm tại nhiều ngân hàng tại Tp. Cần Thơ.