Loạt dự án nghìn tỷ thua lỗ gồm dự án đạm Ninh Bình (vốn đầu tư 12.000 tỷ), dự án đạm Hà Bắc (hơn 10.000 tỷ), DAP Lào Cai (5.200 tỷ), DAP Hải Phòng (172 triệu USD của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đến nay vẫn ngổn ngang, chưa có lối thoát. Trong khi đó, lãnh đạo Vinachem qua các thời kỳ lần lượt bị đề nghị kỷ luật nặng.
Dự án đạm Ninh Bình lỗ 2.700 tỷ
Theo thông tin trên báo Vietnamnet, dự án Đạm Ninh Bình tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư. Từ 2013 - 2016, nhà máy này đã lỗ tổng cộng 2.700 tỷ đồng.
Tại Kết luận thanh tra dự án này, Bộ Công Thương đã chỉ ra một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình.
|
Dự án Đạm Ninh Bình. Ảnh: báo Giao thông. |
Mời quý độc giả xem clip: "Đạm Ninh Bình “cầu cứu” Chính phủ". Nguồn: VTC1HD
Cụ thể, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở kết quả đánh giá hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, công tác dự báo còn hạn chế. Ngoài ra, việc bổ nhiệm Giám đốc Ban quản lý dự án chưa chưa tuân thủ quy định.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án này với nhà thầu Trung Quốc là Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu.
Chẳng hạn, chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với Hợp đồng EPC. Qua nhiều lần đàm phán, Chủ đầu tư và Nhà thầu vẫn chưa thống nhất được giá trị và trách nhiệm của mỗi bên đối với lượng than chạy thử cấp vượt. Hợp đồng EPC còn có điểm bất lợi cho Chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử.
“Đây là một trong số các nguyên nhân của việc chưa quyết toán được Hợp đồng EPC”, Bộ Công Thương lưu ý.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu xử lý tồn tại của hợp đồng EPC dự án nhà máy đạm Ninh Bình.
"Huyền thoại" Đạm Hà Bắc thua lỗ hơn 1.700 tỷ
Nhà máy Đạm Hà Bắc có tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960, do Bộ Công Thương (trước đây là Bộ Công nghiệp Nặng) trực tiếp quản lý. Đây là nhà máy sản xuất phân đạm đầu tiên của Việt Nam.
Năm 2016, Đạm Hà Bắc chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 2.722 tỷ đồng, trong đó Vinachem nắm giữ 97,66% vốn cổ phần.
|
Dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc khởi công năm 2011, vận hành năm 2015. Ảnh: L.Bằng/Vietnamnet. |
Hoạt động kinh doanh chính của Đạm Hà Bắc là sản xuất phân đạm urê dùng làm phân bón cho cây trồng hoặc làm nguyên liệu sản xuất một số sản phẩm hóa chất khác. Đây là sản phẩm chiếm hơn 80% tổng doanh thu của Đạm Hà Bắc.
Bên cạnh đó, công ty này hiện còn đang sản xuất Amoniac (NH3) dạng lỏng nguyên chất 99,9% và dạng dung dịch với các nồng độ khác nhau từ 20-30%. Sản phẩm được dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón, trong công nghệ lạnh, công nghiệp hóa chất và cũng được người tiêu dùng đánh giá cao, khẳng định uy tín trên thị trường trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Đạm Hà Bắc lại liên tục thua lỗ, đưa doanh nghiệp này vào danh sách 12 đại dự án kém hiệu quả của ngành công thương.
Theo NDH, năm 2015, công ty này ghi nhận lỗ 679,7 tỷ đồng. Con số lỗ tiếp tục tăng lên 1.040 tỷ đồng vào năm 2016. Chưa kể, tại thời điểm cuối năm 2016, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Đạm Hà Bắc âm đến 1.720,8 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn và dài hạn tương ứng là 644 tỷ đồng và 7.440 tỷ đồng.
Bước sang năm 2017, Đạm Hà Bắc tiếp tục đặt kế hoạch lỗ 847,3 tỷ đồng, doanh thu có tăng trưởng 25% lên gần 2.700 tỷ đồng.
Đạm Lào Cai lộ nhiều sai phạm
Thông tin trên Bizlive cho hay, cuối năm 2014, CTCP DAP số 2-VINACHEM thuộc Công ty TNHH MTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam tổ chức lễ xuất xưởng lô sản phẩm phân bón Điamôn Phốtphát (DAP) đầu tiên từ dây chuyền sản xuất DAP công suất 330.000 tấn/năm. Báo cáo đến hết tháng 6/2016, Đạm Lào Cai đã lỗ 281 tỷ đồng.
|
Nhà máy DAP số 2 Vinachem tại Lào Cai. Ảnh: Báo Công thương. |
Ngoài việc thua lỗ lớn, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tại dự án này. Cụ thể như điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình còn sai sót, làm tăng tổng mức đầu tư gần 79,9 tỷ đồng.
Công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với gói thầu EPC còn một số tồn tại dẫn đến giá một số hạng mục công trình và vật tư, thiết bị trong biểu giá hợp đồng cao hơn so với giá dự phòng. Chính điều này đã làm tăng giá trị hợp đồng hơn 145 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD…
Kết luận cũng chỉ ra việc CTCP DAP số 2 có sai sót trong nghiệm thu, thanh toán vượt hơn 1,2 triệu USD tiền thuế giá trị gia tăng mua hàng nhập khẩu tại gói thầu EPC. Đơn vị này cũng không tính đúng tỷ trọng thanh toán của các thành phần chi phí như thiết kế/kỹ thuật/bản quyền, mua sắm, xây dựng dẫn đến thanh toán vượt gần 47.000 USD. Việc nghiệm thu, thanh toán thừa khối lượng quét nhựa đường chống thấm, thanh toán sai giá ghi thuộc hạng mục đường sắt làm sai tăng hơn 235 triệu đồng.
Theo VNF, tính đến nay, 3 dự án đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai vẫn chưa thể hoàn thành quyết toán dự án. Thậm chí, Bộ Công Thương còn tính đến khả năng xấu nhất là nhà thầu EPC có thể khiếu kiện, nên đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ các vấn đề của dự án, chủ động nghiên cứu phương án tìm kiếm đơn vị tư vấn pháp lý nếu xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.