Chi hàng trăm tỉ đồng quảng cáo, Bia Hà Nội vẫn thất thu

Google News

Doanh thu và lợi nhuận của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) trong thị trường bia Việt Nam liên tục giảm trong thời gian gần đây.

Thị trường bia Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây các doanh nghiệp nội địa lại có phần "hụt hơi", đáng chú ý là Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm trong thời gian gần đây.
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 đã được soát xét với doanh thu thuần giảm 17% đạt 2.977 tỉ đồng. Trong đó, giá vốn hàng bán chiếm 2.179 tỉ đồng, khiến lợi nhuận gộp của Habeco chỉ đạt 798 tỉ đồng.
Chi hang tram ti dong quang cao, Bia Ha Noi van that thu
Trước bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh thu và lợi nhuận của Habeco liên tục giảm - Ảnh: Internet. 
Với mức doanh thu trên, lợi nhuận sau thuế của Bia Hà Nội đạt 317 tỉ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ ở mức 299 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, nếu như các khoản lợi nhuận khác còn đem về cho Habeco gần 2,5 tỉ đồng thì ở quý này, tổng công ty âm tới 10,6 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí khác thì Habeco mạnh tay chi gấp 5 lần cùng kỳ ở mức 32 tỉ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của công ty giảm nhẹ còn 7.203 tỉ đồng dù chi phí quảng cáo là hơn 327 tỉ đồng, tăng 1,6 lần cùng kỳ. Nhằm đẩy mạnh lượng tiêu thụ, trong quý 1 và quý 2/2017, Bia Hà Nội cũng sẵn sàng chi cho quảng cáo lần lượt tới 60 tỉ đồng và 141 tỉ đồng.
Tính đến ngày 30.9 vừa qua, tiền và các khoản tiền tương đương của Habeco đạt hơn 2.000 tỉ đồng. Nợ xấu đã vượt 90 tỉ đồng, xuất phát từ Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt Lào. Vay ngắn hạn giảm 38% so với đầu năm, đặc biệt khoản vay dài hạn giảm 21% còn hơn 900 tỉ đồng.
Cơ cấu vốn Habeco có tới 81,8% thuộc sở hữu của Nhà nước. Phần còn lại do Carlsberg Breweries A/S, Công ty TNHH Thương mại Carlsberg Việt Nam và cổ đông khác nắm giữ.
Theo số liệu mới công bố của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), hiện cả nước có 117 cơ sở sản xuất bia tại 44/63 tỉnh thành phố trên cả nước. Sản lượng sản xuất tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. 6 tháng đầu năm 2017, ước tính cả ngành sản xuất được 1,4 tỉ lít, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong bối cảnh đó, Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã lên kế hoạch tăng công suất sản xuất tại Việt Nam đến năm 2025. Cùng với Heineken, các hãng khác như Tiger cũng muốn tăng nguồn cung cho thị trường lên cả chục lần so mức độ hiện tại.
Quyết định trên của các hãng cùng với việc tập đoàn bia lớn nhất thế giới AB-InBev thâm nhập thị trường gần đây đối với Sapporo, hay việc sáp nhập SabMiller vào AB-InBev, hay chủ trương thoái vốn Habeco, Sabeco cho thấy một tương lai cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thời gian tới của ngành bia.
Hiện thị trường bia trong nước được phân bổ thị phần rõ rệt. Sabeco chiếm 43,3%, Heineken chiếm 31,7%, Habeco chiếm 18,9% thị phần. Một báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây cho biết thị phần của Habeco đã giảm liên tục trong 6 năm gần đây, từ mức gần 20% năm 2010 xuống còn 18% hiện nay. Như vậy, có thể thấy sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường khiến Habeco đánh mất vị trí độc tôn tại thị trường miền Bắc.
Theo Tuyết Nhung/Một thế giới

>> xem thêm

Bình luận(0)