Câu chuyện đau lòng sau đôi giày nữ nhỏ nhất thế giới

Google News

Những đôi giày nữ nhỏ nhất thế giới được thiết kế rất tinh tế, làm từ bông hoặc tơ tằm và rất nhỏ xinh, có thể để vừa trong lòng bàn tay. 

Tuy nhiên, đằng sau những đôi giày nữ nhỏ nhất thế giới đó lại là một câu chuyện đau lòng.
Biểu tượng của sự quyền quý
Những đôi giày "gót sen vàng" rất phong phú. Thông thường giày sen của Trung Quốc có 5 màu cơ bản: màu đỏ, vàng, xanh da trời, màu đen và trắng.
Chất liệu chủ yếu được làm từ lụa, kiểu dáng thường là "chúc phía trước", nhọn hoặc hơi tròn 1 chút với hoa văn thêu trên giày khá tinh tế.
 
Đôi giày của phụ nữ khi lấy chồng thường là làm bằng lụa đỏ, màu của ngày hôn lễ và bên trong giày thường được trang trí cảnh ái ân mà người vợ trẻ sẽ đón nhận trên chiếc giường trong đêm tân hôn. Từ trước đó, cô dâu phải thêu những đôi giày bông sen vàng cho mẹ chồng.
 
Về mặt cá nhân, cô dâu phải có ít nhất 4 đôi giày như thế. Con số lý tưởng là 16 đôi, tức mỗi mùa dùng 4 đôi. Cũng theo quy định, trong thời gian tang lễ kéo dài 5 giai đoạn trong 27 tháng, lụa và màu đỏ được thay bằng vải trắng và các màu sậm.
 
Giày gót sen còn là biểu tượng của sắc đẹp và sự quyền quý của phụ nữ Trung Quốc thời xưa.
Câu chuyện kinh hoàng đằng sau "gót sen ba tấc"
Tục bó chân ở Trung Quốc gần như đã trở thành một nét truyền thống của phụ nữ đất nước này trong suốt thời phong kiến. Để có được đôi chân bó nhỏ nhắn - biểu hiện của sự cao quý như vậy, người phụ nữ xưa đã phải chịu đau đớn suốt một thời gian dài.
Để có được đôi "gót sen" hoàn hảo, người mẹ hoặc người bà trong gia đình sẽ bắt đầu bó chân con gái, cháu gái họ khi đứa trẻ 2 - 5 tuổi - khoảng thời gian xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện.
 
Đầu tiên, chân của các bé gái được ngâm trong nước ấm pha thảo dược và máu động vật. Sau đó, những người bó chân sẽ xoa bóp nhẹ nhàng đôi bàn chân rồi dùng lực mạnh để bẻ quặp các ngón chân xuống, ép vào lòng bàn chân. Xương vòm bàn chân bị bẻ gẫy, tiếp đến cả bàn chân được quấn lại thật chặt trong băng vải.
Băng vải sẽ được tháo ra định kỳ để rửa và xoa bóp. Tuy nhiên, những lần sau đó, chân của các cô gái sẽ càng bị bó chặt hơn.
Không những thế, người xưa còn đánh thật mạnh vào lòng bàn chân của các bé gái, làm vỡ nát các xương. Khi vải được quấn lại, cô gái còn bị buộc phải đi lại trên nền nhà để bàn chân biến dạng hơn nữa.
Quá trình bó chân thường kéo dài trong 2 năm và nó đau đớn đến mức có người đã nói rằng: “Người con gái bó chân phải khóc hàng xô nước mắt”.
 Đôi chân biến dị vì giày gót sen
Thỉnh thoảng, người ta lại tháo vải ra rồi tiến hành lại quy trình: đập dập xương chân rồi bó lại sao cho càng nhỏ càng tốt. Nhiều người bị hoại tử, nhiễm trùng, mưng mủ ở chân vì quá trình đau đớn kéo dài hàng năm trời. Kể cả về sau, khi đã về già, đôi khi những bàn chân vẫn nhức nhối do trái gió trở trời.
Tuy nhiên, tục bó chân vẫn tồn tại ở Trung Quốc cho đến tận thế kỉ 20. Mãi đến năm 1928, tập tục này mới được bãi bỏ hoàn toàn và được đông đảo dân chúng tách ra khỏi giá trị thẩm mỹ và đạo đức. Ngày nay, người ta chỉ còn thấy những chứng tích ít ỏi của tập tục này trên bàn chân của một số bà cụ già.
Theo Lily/Gidinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)