Dẫn đầu ngành vàng về lợi nhuận
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung vừa công bố thông tin tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2018 bằng tiền với tỷ lệ 8%, tương ứng 800 đồng/cp, thời gian thực hiện là 14.1.2019.
Với 15,1 triệu cổ phiếu PNJ đang nắm giữ, bà Dung sẽ nhận về xấp xỉ 12,1 tỷ đồng. Với mức giá hiện tại trên sàn giao dịch chứng khoán là 94.400 đồng/cổ phiếu, giá trị lô cổ phiếu bà Dung nắm giữ lên tới trên 1.425 tỷ đồng
Trước đó, trong tháng 8 vừa qua, các cổ đông của PNJ trong đó có bà Dung cũng đã nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%
Ngoài ra, các cổ đông của doanh nghiệp vàng bạc đá quý này cũng được thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1 và đồng thời phát hành cổ phiếu cho 466 cán bộ công nhân viên công ty theo chương trình lựa chọn người lao động trong công ty với tỷ lệ 3% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tương đương gần 4,9 triệu cổ phiếu theo phương án đã được thông qua tại nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niêm 2018.
Tới thời điểm này, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn là một doanh nghiệp hàng đầu và nổi bật trong năm 2018 với kết quả kinh doanh ấn tượng, lãi gấp nhiều lần 2 đối thủ khác là DOJI và SJC cho dù doanh thu không nhiều bằng. Con số lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm PNJ đạt 870 tỷ đồng,
Ít người biết rằng, “đế chế trang sức” PNJ từng cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2009, tiếp tục tăng lên gần 14.000 tỷ vào năm 2010 và cán mốc 18.000 tỷ đồng vào năm 2011.
Năm 2017, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung mới trở lại mốc “doanh thu vạn tỷ” với 11.049 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận đã gấp 3,3 lần năm 2009, gấp 3,4 lần năm 2010 và gấp 2,9 lần năm 2011. Hay theo cách tính toán khác, lợi nhuận năm 2017 của PNJ cao hơn lợi nhuận của cả năm 2009, năm 2010 và năm 2011 cộng lại.
So với các đối thủ cùng ngành, năm 2017, PNJ lãi gấp 6 lần Doji và SJC cộng lại dù doanh thu chỉ bằng một góc nhỏ. Có lẽ nhờ sức hấp dẫn từ kết quả kinh doanh, ngay sau khi PNJ “hở room”, khối ngoại đã nhanh chóng mua vào 2,38 triệu cổ phiếu doanh nghiệp này với mức giá trần 106.400 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 253,2 tỷ đồng thông qua phương thức thỏa thuận khiến PNJ lập tức kín room.
Trần Phương Bình lĩnh án chung thân, tài sản bà Cao Thị Ngọc Dung bốc hơi gần 500 tỷ
Bức tranh lợi nhuận khởi sắc, thế nhưng giá cổ phiếu PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung trong những phiên giao dịch gần đây “bốc hơi” 5.000 đồng/cp so với phiên giao dịch ngày 17.12
Nếu so với đỉnh cao hồi giữa tháng 10, PNJ đã giảm gần 16.000 đồng/cp, từ mức 110.000 đồng xuống còn 94.000 đồng/cp.
|
Diễn biến cổ phiếu PNJ |
Với mức giảm nói trên, vốn hóa của PNJ đã bốc hơi khoảng 1.450 tỷ đồng. Trong khi đó, túi tiền của bà Cao Thị Ngọc Dũng cũng đã giảm khoảng 470 tỷ đồng xuống còn hơn 1.425 tỷ đồng như hiện tại.
Cùng thời điểm giá cổ phiếu PNJ đi xuống, ông Trần Phương Bình, chồng bà Dung nhận án chung thân từ những sai phạm tại DongABank.
Cụ thể, TAND TP.HCM hôm qua 20.12 vừa tuyên án 26 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng xảy ra tại DongABank. Trong đó, bị cáo Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc DongABank, phó chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐ tín dụng) lãnh tổng mức án là tù chung thân. Còn “Vũ Nhôm” lãnh án 17 năm tù (cùng 8 năm tù án trước đó thành 25 năm tù).
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Phương Bình đã nhiều năm liền che giấu hoạt động thua lỗ của DAB, che giấu hành vi phạm tội của bản thân trong suốt một thời gian dài khiến DongABank thua lỗ, không thể khắc phục được.
Bị cáo Trần Phương Bình vụ lợi cho bản thân, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt hành vi, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản DongABank với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, ngân hàng này lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỷ đồng.
Trong quá trình xét xử, bà Cao Thị Ngọc Dung cũng đã có mặt với vai trò là người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng
|
Sơ đồ vốn và mối liên hệ giữa PNJ và DongABank - ảnh Internet |
Theo Cơ quan Điều tra, bà Cao Thị Ngọc Dung khai chồng mình là ông Trần Phương Bình tự ý lấy tên Cao Thị Ngọc Dung, Cao Ngọc Liên, Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao đứng tên mua cổ phần DongABank vào năm 2007 và 2009.
Họ không ký chứng từ nộp tiền, không nộp tiền mua cổ phần, số tiền mua tổng cộng hơn 3 tiệu cổ phần DongA Bank họ không biết ông Bình sử dụng từ nguồn tiền nào để mua.
Cơ quan Điều tra cũng cho biết, đối với trách nhiệm của bà Cao Thị Ngọc Dung, là vợ bị cáo Trần Phương Bình, quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án, cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của bà Dung đối với khoản vay của PNJ tại DongA Bank, nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc ông Bình lĩnh án chung thân có phải là nguyên nhân khiến cổ phiếu PNJ của nữ đại gia vàng này “rớt giá”?