Cẩn trọng “bẫy” vay tiêu dùng lãi suất 0%

Google News

Thời điểm Tết cũng là lúc các công ty tài chính đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng với nhiều mức lãi suất hấp dẫn dành cho các cá nhân cần vay tiền.

Bùng nổ cho vay tiêu dùng cuối năm
Sacombank được xem là ngân hàng triển khai nhiều chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất 0%/năm khi liên kết với nhiều trung tâm, sản phẩm khác nhau, từ điện máy đến trang sức, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe… Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác cũng liên kết với các chủ đầu tư dự án bất động sản cho vay mua nhà lãi suất 0%/năm trong năm đầu tiên như HDBank.
Can trong “bay” vay tieu dung lai suat 0%
Người tiêu dùng cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định vay tiêu dùng. Ảnh: I.T 
Song đối tượng triển khai các chương trình cho vay lãi suất 0%/năm nhiều nhất trong giai đoạn cuối năm là các công ty tài chính. Công ty HD Saison áp dụng chương trình cho vay trả góp lãi suất 0%/năm, kỳ hạn vay từ 4 - 6 tháng đối với một số sản phẩm smartphone của Sony, Samsung, Oppo trong tháng 12. Khách hàng chỉ phải trả trước 30 - 40% cho khoản vay và hưởng lãi suất ưu đãi 0%/năm.
Còn công ty Home Credit cũng hợp tác với 5 đối tác lớn có mạng lưới phân phối trên toàn quốc là Mobile World, Viettel, Viễn Thông A, VinPro, FPT và 2 nhà sản xuất để triển khai chương trình lãi suất 0% với 2 dòng sản phẩm điện thoại OPPO và Samsung. Ngoài ra, mỗi tháng, Home Credit đều cố gắng đưa ra ít nhất 30 gói sản phẩm lãi suất 0% áp dụng cho các mẫu sản phẩm.
Những ngày này, chị N.T.Hằng (Long Biên, Hà Nội) thường xuyên phải nghe những cuộc gọi mời chào tham gia các gói vay tín dụng từ các ngân hàng, công ty tài chính. Chị cho biết, điều khiến chị khó chịu nhất là các nhân viên gọi điện không nắm được bất kỳ thông tin nào về khách hàng. Khi mời chào, giới thiệu sản phẩm của mình, họ liên tục hỏi những thông tin cá nhân khiến chị cảm thấy bị họ tra vấn.
Chị Hằng nói: “Một vài lần, tôi đã nói với họ là tôi không có nhu cầu, rồi bảo họ đừng gọi lại cho tôi nữa. Thậm chí, tôi đã đưa số điện thoại của họ vào danh sách chặn. Nhưng rồi họ lại liên lạc với tôi bằng số điện thoại khác và tiếp tục mời chào, hỏi thông tin cá nhân của tôi”.
Bản chất là lãi “cắt cổ”
Chị N.T.Hằng cho biết, cách đây 7 tháng, do cần mua một chiếc laptop nhưng không đủ tiền nên chị có dự định mua hàng trả góp. Tìm kiếm thông tin trên website của siêu thị điện máy HC, chị thấy có chương trình trả góp 0%, chỉ cần trả trước 30% giá trị sản phẩm là có thể mua hàng nên chị quyết định mua hàng tại đây. Tuy nhiên, tới khi trao đổi với các nhân viên của công ty Home Credit, chị mới phát hiện ra không hề có chương trình trả góp 0% như quảng cáo.
Chị Hằng chia sẻ: “Khi làm thủ tục, họ hỏi đủ thông tin, từ thông tin cá nhân, tới địa chỉ nhà, cơ quan, số điện thoại người thân, bạn bè, đồng nghiệp của tôi. Thậm chí, họ còn yêu cầu tôi phải cung cấp hóa đơn tiền điện, nước và một số giấy tờ cá nhân liên quan khác. Phải chờ đợi tới gần 2 tiếng, các nhân viên ở quầy làm thủ tục cho vay mới trao cho tôi hợp đồng vay tài chính do công ty họ soạn thảo. Khi cầm hợp đồng trên tay, tôi bị bất ngờ bởi lãi suất của khoản là 2,93%/tháng, không hề có chương trình trả góp 0% như quảng cáo. Với lãi suất như vậy, sau khi tôi trả nợ xong, số tiền chênh lệch mà phía Home Credit nhận được là 35,16% tính trên tổng giá trị sản phẩm, cao gấp 5 lần lãi suất vay ở ngân hàng. Ngoài ra, liên tục mấy ngày sau đó, ngày nào họ cũng gọi cho người thân, đồng nghiệp của tôi để hỏi thông tin cá nhân của tôi”.
Để kiểm chứng lại thông tin do chị Hằng cung cấp, PV đã liên hệ qua đường dây hotline của Home Credit tìm hiểu về chương trình vay tiêu dùng dịp Tết. Một nhân viên tên Lý của Home Credit đã mời PV vay tiền mặt, số tiền 13 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng. Anh Lý tư vấn: “Mỗi tháng anh phải trả nợ số tiền là 1.086.000 đồng bao gồm gốc, lãi và bảo hiểm khoản vay. Nếu đóng đúng hạn, đủ tiền, không thanh lý hợp đồng sớm sẽ được khuyến mại 7 tháng, tức là chỉ phải đóng tiền cho 29 tháng”.
Các chuyên gia cảnh báo, người tiêu dùng trước khi có ý định móc hầu bao mua sắm dịp cuối năm cần xác định kỹ xem mình có thực sự cần mua và tìm hiểu kỹ, tính toán cụ thể mức chênh lệch khi thanh toán 1 lần và thanh toán nhiều lần bằng trả góp liệu có lớn không. Từ đó mới đưa ra quyết định mua hàng.
Thậm chí, nhân viên tên Lý còn nhiệt tình tư vấn cho PV, với khoản nay này chỉ phải trả số tiền lãi là 543.000 đồng, bình quân mỗi ngày là hơn 18.000 đồng. Như vậy, có thể tính toán được số tiền lãi mà Home Credit thu được từ mỗi khách hàng tham gia chương trình vay tiêu dùng này là hơn 18,4 triệu đồng mỗi người. Còn số tiền lãi 18.000 đồng/ngày mà Lý đưa ra thậm chí cao hơn cả tiền lãi của nhiều cửa hàng cầm đồ.
Khác với trường hợp của chị Hằng, anh N.H.Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, dịp gần Tết Dương lịch 2016, anh cũng bị mua “hớ” khi mua một chiếc iPad theo hình thức trả góp ở một chuyên kinh doanh điện thoại và máy tính bảng trên đường Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội).
“Do không am hiểu công nghệ, không tham khảo giá bán các nơi. Lại thấy cửa hàng có chương trình mua trả góp 0% nên tôi quyết định mua luôn. Tới khi mang về nhà, một người bạn tôi mới cho biết tôi đã mua chiếc iPad này với giá cao hơn giá thị trường tới 2 triệu đồng”, anh Long nói.
Song điều khiến anh Long khó chịu nhất là chỉ cần quên không đóng tiền đúng ngày, nhân viên của ngân hàng cho vay sẽ liên tục gọi điện cho anh và người thân để giục đóng tiền. Thậm chí, có lần họ còn gây sức ép bằng cách dọa đưa sự việc ra trước pháp luật. Tự dưng, anh đã đưa mình vào thế khó.
Can trong “bay” vay tieu dung lai suat 0%-Hinh-2
 TS. Bùi Kiến Thành - Chuyên gia Kinh tế:
Người tiêu dùng cần thật cẩn trọng
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng, không để các công ty tài chính thoải mái đưa ra những mức lãi suất “trời ơi đất hỡi” lên tới 60%, thậm chí 70% bởi bản thân người tiêu dùng không thể nắm rõ cách tính toán lãi suất của các công ty tài chính, ngân hàng cho vay. Nhiều khi khách hàng đi mua hàng rơi vào thế bị động, họ dễ dàng bị những người bán hàng, nhân viên công ty tài chính thuyết phục vay tiền, mua hàng. Tới khi cầm hợp đồng cho vay trên tay, tính toán ra số tiền lãi phải trả họ mới ngã ngửa. Cũng cần có những quy định, quy tắc rõ ràng đối với các nhân viên bán hàng, nhân viên công ty tài chính khi họ tiếp thị các gói sản phẩm cho vay trả góp cho khách hàng. Điều này giúp khách hàng tránh được tình huống bị lừa gạt.
Can trong “bay” vay tieu dung lai suat 0%-Hinh-3
 Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sĩ Kiêm:

Nhiều rủi ro khi vay tiêu dùng
Hoạt động vay tiêu dùng là hoạt động thường xuyên của các tổ chức tài chính. Hoạt động này vừa là lợi ích của ngân hàng, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Ở Việt Nam, khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng, đời sống người dân được cải thiện. Còn các ngân hàng đạt được mức huy động vốn tốt, khả năng thanh khoản tốt. Đồng thời, sức cạnh tranh của các ngân hàng trong nước cũng như trên thế giới cũng đang tăng lên thì cho vay tiêu dùng là một trong những hoạt động mà các ngân hàng phải đẩy mạnh để mở rộng khả năng kinh doanh và xây dựng thương hiệu của mình. Vay tiêu dùng thường có lãi suất cao, nhưng đi kèm với đó là nhiều rủi do. Kinh nghiệm từ các năm trước cho thấy, chúng ta vừa phải mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng, nhưng cũng phải quản lý thật chặt chẽ hoạt động này để hạn chế tối đa rủi ro.
Đối với những công ty tài chính áp dụng lãi suất vay tiêu dùng rất cao, lên tới 60 - 70%. Trong Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Dân sự đều có quy định cho phép tự do hóa một số nghiệp vụ như cho vay tiêu dùng. Nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay đột xuất trước mắt, các công ty tài chính có thể áp dụng mức lãi suất cho vay cao hơn để đáp ứng yêu cầu của mọi người dân với các khoản tiêu dùng. Luật Dân sự cũng quy định mức khống chế đối với lãi suất cho vay, nếu lãi suất cho vay trên mức đó có thể cho vay nặng lãi. Điều này bị cấm.
Xem clip Thực hư việc dừng cho vay gói 30 nghìn tỷ (Nguồn: VTC):
 

Theo Hoàng Thắng/ Dân việt

>> xem thêm

Bình luận(0)