Vườn cam của gia đình ông Phan Công Hưởng, xóm 8, xã Nghi Diên, nhiều gốc cam trĩu quả, vàng óng đã được các thương lái, khách hàng tìm đến tận vườn để mua. Đây là một trong những hộ gia đình trồng cam Xã Đoài lớn nhất ở xã Nghi Diên với diện tích 6 sào đất vườn gồm hơn 200 gốc cam.
|
Vườn cam Xã Đoài của gia đình ông Phan Công Hưởng, xóm 8, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc mỗi năm bán khoảng 5.000 quả trong dịp Tết. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN |
Các khách hàng, thương lái trong và ngoài tỉnh Nghệ An tìm mua cam đặc sản Xã Đoài chủ yếu để bày mâm ngũ quả, làm quà biếu hoặc để ăn trong dịp Tết. Là loại cam đặc sản nức tiếng từ lâu nên năm nào vào dịp giáp Tết cam Xã Đoài cũng khan hiếm hàng, nhiều chủ vườn cam không còn cam để bán.
Ông Phan Công Hưởng cho biết, cam Xã Đoài thường được bán bằng quả chứ không bán theo cân, mỗi quả cam trung bình nặng khoảng 200 gram, có giá 50.000 đồng/quả (tương đương hơn 250.000 đồng/kg). Hàng năm, vườn cam Xã Đoài của ông Phan Công Hưởng bán khoảng 5.000 quả trong dịp Tết với thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng. Thu nhập này cao hơn gấp 5 - 8 lần so với các loại cây trồng khác.
Không chỉ có vườn cam xã Đoài của gia đình ông Phan Công Hưởng, các vườn cam Xã Đoài của nhiều hộ gia đình khác tại xã Nghi Diên cũng được khách hàng, các thương lái từ Hà Nội, thành phố Vinh và các vùng phụ cận tìm đến tận vườn đặt mua. Đa số các khách hàng đều rất yên tâm về chất lượng của cam khi đến tận vườn và tự mình chọn cam khi đang còn ở trên cây để mua.
Ông Nguyễn Bá Thành, khách hàng đến từ Thành phố Vinh chia sẻ: “Năm nào gần dịp Tết Nguyên đán, tôi cũng tìm đến tận các vườn mua cam Xã Đoài để bày mâm ngũ quả và làm quà gửi vào cho con cháu ở Tp. Hồ Chí Minh. Mặc dù giá bán không hề rẻ nhưng cam Xã Đoài có vị thơm, ngon rất đặc trưng nổi tiếng lâu nay nên ai cũng rất thích và khó quên khi đã được thưởng thức”.
Theo nhiều người dân xã Nghi Diên, cam Xã Đoài là giống cam đặc biệt thơm ngon, ngọt, đây là cây ăn quả đặc sản dùng để “tiến Vua” nức tiếng ở xứ Nghệ lưu truyền hơn 150 năm trước. Cam Xã Đoài có đặc điểm vỏ cam mịn, mỏng, vàng bóng; trên vỏ cam có nhiều túi tinh dầu nên khi bóc vỏ có mùi thơm đặc trưng. Người bóc quả cam Xã Đoài sau khi bóc dù đã rửa tay, mùi tinh dầu đó vẫn để lại ở tay. Khi bổ quả cam Xã Đoài ra có màu mật ong rừng, ăn có vị ngọt mát, tan nhanh trong miệng, ăn xong vị ngọt đó được lưu lại trong cổ họng người ăn. Cam Xã Đoài thường ra hoa vào tiết lập Xuân và bắt đầu chín vào tháng 11, 12 âm lịch hàng năm.
Mặc dù cam Xã Đoài là một giống cam đặc sản nổi tiếng có giá trị kinh tế cao, nhưng diện tích trồng cam đang bị thu hẹp dần do chất đất thay đổi và do thoái hóa giống, nguy cơ giống cam quý hiếm này bị mai một là rất lớn. Theo nhiều hộ trồng cam lâu năm, cam Xã Đoài chỉ hợp với đất trồng ngoài đồng, còn trồng trong vườn nhà rất khó được lâu dài. Bởi trồng trong vườn bụi bờ che khuất, điều kiện tưới về mùa hạn, tiêu úng về mùa mưa gặp khó khăn. Mặt khác, cây cam có những loại sâu bệnh mà khi trồng trong khu dân cư rất khó xử lý.
Ông Phạm Khắc Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết, hiện nay, toàn xã có khoảng 40 hộ trồng với khoảng 10.000 gốc cam Xã Đoài trên diện tích khoảng 20ha; trong đó, trên 50% số cây đã cho thu hoạch. Cam Xã Đoài mang lại nguồn thu xấp xỉ 15 tỷ đồng, một con số ít có loại cây trồng nào sánh được. Tuy nhiên, hiện nay việc mở rộng diện tích trồng cam cũng như việc bảo tồn gen cam Xã Đoài đang gặp nhiều khó khăn”.
Ông Chiến cũng cho biết thêm, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Nghi Diên đã có chủ trương “đưa cam ra đồng”, chuyển đổi 100ha đất hai lúa sang trồng cam để quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, đồng thời xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cam Xã Đoài.
Tuy nhiên đến nay, việc quy hoạch này đang gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư nâng cao ruộng, xây dựng hệ thống tưới tiêu, xây tường bao bảo vệ phải lớn, ít có hộ dân nào đáp ứng được. Hiện nay, ở địa phương trang trại cam Xã Đoài của Công ty TNHH xây dựng Thành Phát đang là mô hình trang trại lớn nhất, được đầu tư với quy mô với diện tích 12ha, trồng 4.000 gốc cam Xã Đoài.