Cam sành Hàm Yên trúng vụ, nông dân hối hả cắt cam phục vụ Tết

Google News

Khi giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 chỉ còn được tính bằng giờ, người trồng cam sành ở huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) vẫn hối hả, tranh thủ cắt và vận chuyển cam đi khắp ngả, để phục vụ người tiêu dùng.

Hầu hết, các hộ dân ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đều trồng cam sành. Tháng chạp là thời điểm cam sành chín rộ nhưng vào những ngày Tết Nguyên đán cận kề, người trồng cam nơi đây hối hả hơn bao giờ hết, bởi vừa nhanh tay cắt cam phuc vụ người dùng Tết, vừa tiến hành ủ phân để chuẩn bị bón gốc cam cho kịp vụ mùa sau.
Cam sanh Ham Yen trung vu, nong dan hoi ha cat cam phuc vu Tet
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, người trồng cam sành Hàm Yên hối hả hơn những ngày trong năm. 
Là cán bộ nhà nước nên những ngày Tết Nguyên đán cận kề, bà Nguyễn Thị Nga (51 tuổi, ở thị trấn Hàm Yên) bận rộn hơn những ngày trong năm. Bởi ngoài giờ làm việc công sở, bà Nga còn phải cắt căm, hái phật thủ cho khách hàng dùng Tết.
Bà Nga cho biết: "Nhà tôi vừa trồng cam, vừa trồng bưởi và phật thủ. Do cả hai vợ chồng đều làm giờ hành chính nên tôi thuê người làm. Khách đến mua thì tôi cho khách tự cắt. Cam thì họ sẽ cắt quả to, đẹp, sau đó bán theo khối lượng. Còn bưởi thì tôi bán theo quả. Quả to thì họ trả giá cao hơn quả nhỏ. Năm nay bưởi sai bao nhiêu thì khan hàng bấy nhiêu. Đặc biệt là dòng bưởi da xanh và bưởi đỏ (còn gọi là bưởi tiến vua), bởi khách mua là để bày lên mâm lễ".
Cam sanh Ham Yen trung vu, nong dan hoi ha cat cam phuc vu Tet-Hinh-2
 Vườn cam của bà Nguyễn Thị Nga trĩu quả.
Bà Nga cho hay: "Năm nào cũng cũng vậy, cứ vào thời điểm cận kề Tết nguyên đán là chúng tôi rất bận. Ngoài giờ làm việc công sở và những ngày cuối tuần tôi cũng không có thời gian nghỉ ngơi, phải tranh thủ cắt cam để gửi cho khách ở các tỉnh và Hà Nội.
Ngoài ra, đại lý bán lẻ ở các địa bàn lân cận cũng đến mua tại vườn để đi rao bán. Năm nay, cam vừa được mùa vừa được giá hơn năm trước. Giá cam hiện tại mà tiểu thương cắt tại vườn là 7.000 đồng/kg, nếu tôi cắt và gửi xe cho khách ở tỉnh và Hà Nội thì giá thu về là 10.000 – 12.000 đồng/kg". 
Theo bà Nga, năm nay, sản lượng cam của trang trại ước tính lên đến hơn 50 tấn nên không chỉ rao bán cho các thương lái, mối khách ở xa, mà bà Nga cũng bày biện ngay khuôn viên sân nhà để bán cho khách hàng vãng lai.
"Năm nay được mùa, bán được bao nhiêu thì cố gắng bán, đến khi hết Tết, cam bắt đầu hết mùa là chúng tôi cũng tiến hành bón phân để chuẩn bị cho mùa cam sau", chị Nga cho hay.
Cam sanh Ham Yen trung vu, nong dan hoi ha cat cam phuc vu Tet-Hinh-3
 Ông Hoàng Thọ Phúc đang nhanh tay hái cam phục vụ người tiêu dùng.
Vừa nhanh tay cắt từng quả cam trên cành vào sọt, ông Hoàng Thọ Phúc (xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên) cho biết, năm nay, diện tích 1,5 ha cam sành của gia đình ông cho sản lượng khoảng 40 tấn.
Ông Phúc cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng 10 âm lịch, khi cam còn đang xanh thì nhiều thương lái đã đến đề nghị thu hái. Những năm trước, nhiều hộ gia đình thu hái khoảng 50% sản lượng cam xanh tại vườn để tiêu thụ. Riêng nhà tôi thì không, bởi gia đình tôi tham gia hợp tác xã, được đảm bảo nguồn ra nên tôi chỉ bán khi cam chín vàng". 
Ông Phúc cho hay: "Tiêu chuẩn bán đối với cam sành Hàm Yên là chín vàng ruộm. Thực khách dùng cam sành Hàm Yên thời điểm cam chín mọng mới cảm nhận được hương vị ngọt và thơm của cam. Hầu hết, những người dân trong vùng Tuyên Quang đều bắt đầu giao thương, buôn bán và sử dụng khi cam chính thức chín trên cành".
Ông Phúc chia sẻ: "Đầu tư vốn cho 1,5ha cam, ban đầu, tôi lo lắm, chỉ sợ khi cam chín vàng hết vườn mà không kịp bán thì sẽ như thế nào? Chắc chắn không tránh khỏi việc cam rụng nhưng rất bất ngờ là cam chín lại được người dân đón nhận nhiều đến thế.
Bởi cam chín trên cành sẽ cho vị ngọt, ngon và thơm đặc trưng nên với người dân trong vùng, họ chỉ sử dụng khi cam chín trên cành. Cam Hàm Yên có giá rẻ, có thể nói là rất rẻ, có những năm chỉ khoảng 3.000 đồng/kg bán tại vườn, năm nay thì dao động từ 7.000 – 9.000 đồng/kg, nên người dùng cam trong vùng chỉ chọn những quả chín để vắt nước uống". 
Cầm trên tay của cam vừa cắt, ông Phúc chia sẻ: "Trước đây, do không biết, tôi cắt núm cam dài nên khi vận chuyển, cam bị trầy xước dẫn đến xấu mã, mà khi bên ngoài bị trầy xước thì chúng tôi lại bị thương lái ép giá nên nhiều khi, người trồng cam bị động về giá cả.
Chính vì vậy, cắt cam là phải cụt núm để tránh cam bị trầy xước khi vận chuyển. Với những cây cam có niên đại lên đến 20 năm thì phải dùng kéo chuyên dụng có chiều dài để cắt cam từ trên cao xuống, sau đó dùng kéo ngắn cắt lại cho đẹp".
Cam sanh Ham Yen trung vu, nong dan hoi ha cat cam phuc vu Tet-Hinh-4
 Cam sành được người dân bày bán, phục vụ người tiêu dùng.
Theo các hộ gia đình có kinh nghiệm trồng cam, để có được những quả cam mọng nước và bóng bẩy thì quan trọng nhất là thời điểm bón phân. Thời điểm bón phân hợp lý nhất là khi cam đã được cắt hết trên cành. Chính vì vậy, vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, người trồng cam bận rộn hơn so với những ngày khác trong năm, bởi vừa cắt cam cho khách hàng vừa tiến hành thu gom phân ủ để chuẩn bị bón gốc cam.
Bà Hoàng Thị Hợi (xã Nhân Mục, Hàm Yên) cho biết: "Cam được đánh (bón) phân dưới gốc vào thời điểm sau Tết sẽ cho lá xanh, quả to và mọng, bóng.
Tuy nhiên, để đáp ứng được bề ngoài đẹp thì chỉ đánh riêng phân trâu là chưa đủ, mà chúng tôi phải nghiền thêm ngô và hạt đỗ tương để ủ cùng phân trâu. Nếu ủ kết hợp nhiều thành phần hữu cơ như vậy thì sẽ thay thế hoàn toàn phân hóa học. Vì vậy, người sành cam khi đi mua cam, nếu thấy vườn cam nào có khu che bạt, ủ phân biệt lập thì chắc chắn, vườn cam đó được trồng và chăm sóc theo hướng sinh học".
Theo Bảo Loan/ Giadinhnet.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)