Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 Dương lịch hàng năm là thời điểm nhiều vườn cam sành ở Hà Giang chín rộ, cho trái vàng ươm. Tuy nhiên, thời điểm này năm nay, dù cam đã vào chính vụ, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên việc vận chuyển cam sành đi các tỉnh tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, so với các năm trước, giá cam sành rớt thảm.
Anh Nguyễn Hữu Quân, một tiểu thương bán cam sành Hà Giang ở Lạc Long Quân, Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, dù giá siêu rẻ nhưng vì đã chín rộ nên bà con trồng cam vẫn phải bán.
“Loại cam sành Hà Giang không nói thì mọi người đều biết quả rất mỏng vỏ, ruột đỏ và nhiều nước. Thông thường từ tháng 12 đến tháng 3 Dương lịch hàng năm là mùa thu hoạch của loại cam này, đặc biệt cuối tháng 2 đầu tháng 3 là thời điểm rộ nhất. Cam thời điểm này rất ngọt và mọng nước lắm”, anh Quân nói.
|
Cam sành Hà Giang vào mùa thu hoạch nên chín rộ, mọng nước |
Người bán cam này chia sẻ, dù ngon ngọt như vậy nhưng cam sành Hà Giang năm nay rớt giá thê thảm. “Giá cam giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020, tháng 3, giá cam sành vẫn bán được 15.000 đồng/kg. Thậm chí, cuối mùa, giá cam còn lên 30.000 đồng/kg”.
Năm nay, một ký cam sành Hà Giang được vận chuyển về Hà Nội anh Quân chỉ bán với giá 6.000 đồng/kg.
“Mọi năm, cam vận chuyển đi nhiều nơi như miền Trung, miền Nam nên giá thành cam sành Hà Giang rất vững. Năm nay, do dịch Covid-19 nên loại cam này không vận chuyển được đi các tỉnh. Chưa kể, diện tích trồng cam được mở rộng hơn. Vì thế, những vườn cam ứ đọng quả, không tiêu thụ được. Bà con tại vườn bán giá rất rẻ, chỉ mong cứu vãn được đồng nào hay đồng ấy. Mình lấy cam về bán cũng là để ủng hộ và chia sẻ cùng bà con”, anh Quân nói.
Theo anh Quân, đây là những trái cam sành Hà Giang mới hái và vận chuyển ngay về Hà Nội nên tươi rói. Mỗi ký cam sành gồm khoảng 5-7 quả.
“Vì cam sành Hà Giang chưa bao giờ rớt giá như năm nay nên nhà mình đóng sẵn túi 10kg, 20kg để khách đến mua theo túi. Túi cam 10 kg giá chỉ 60.000 đồng, túi 20 kg giá chỉ 120.000 đồng là đã có rất nhiều cam để bổ ăn, ép nước cả tuần uống thoải mái”.
Riêng với những quán cafe hay những tiểu thương bán đồ uống, nước ép trái cây, họ thường lấy túi 30-50kg một lúc. Chính bởi được nhiều người ủng hộ nên mỗi ngày, người đàn ông này bán được vài tạ cam. Ngày nhiều nhất bán được gần tấn cam.
Là người rất thích uống nước cam, chị Phan Thị Huyền ở tòa nhà Hà Thành Plaza, Thái Thịnh (Hà Nội) những ngày này liên tục mua cam sành Hà Giang về ăn cũng như ép nước uống.
|
Do giá rẻ nên người dân mua về cả yến để ăn, vắt nước uống dần |
Chị Huyền kể, những năm trước, chưa bao giờ chị mua được cam sành Hà Giang với giá dưới 15.000 đồng. Nhưng năm nay, sau Tết Nguyên đán, thấy nhiều tiểu thương bán cam chỉ 5.000-6.000 đồng nên ban đầu chị Huyền thấy giật mình.
“Mình vào hỏi vì sao giá cam lại rẻ như vậy thì người bán bảo không vận chuyển được đi các nơi do dịch bệnh nên giá rẻ. Mình liền mua ủng hộ 10kg, sau một tuần ăn hết mình vừa đặt mua thêm 10kg nữa, giá chỉ 60.000 đồng”, chị Huyền nói.
Đồng nghiệp chị thấy giá cam sành Hà Giang giảm sâu nên cũng rủ nhau mua chung. “Có hôm mấy chị đồng nghiệp đặt mua đến 50-60kg cam vì cùng chuyến phí vận chuyển chỉ mất thêm 25.000 đồng. Mọi người đều có tâm lý mua ủng hộ bà con trồng cam.
Ngoài cam sành Hà Giang, cam Hàm Yên (Tuyên Quang) cũng được nhiều tiểu thương chợ mạng bán với giá 4.000-5.000 đồng/kg. Thấy giá cam rẻ, bà nội trợ nào cũng mua ít nhất chục ký để hỗ trợ bà con trồng cam.