Trong một dãy cửa hàng ở khu Sheung Wan, phía tây của Hong Kong, những con cá ngựa hình chữ S được xếp chồng chồng lớp lớp lên nhau như những chiếc thìa trong các hộp nhựa và lọ thủy tinh, bày trong các gian hàng.
Tại Hong Kong, khu vực này được biết đến là trung tâm buôn bán thuốc y học cổ truyền Trung Quốc. Nếu muốn tìm mua các loại động thực vật hoặc các bộ phận trên cơ thể động dùng làm thuốc trị bệnh thì cứ đến đây. Các con phố nhỏ hẹp ở đây khi nào cũng rộn ràng người mua kẻ bán, tiếng đẩy xe của phu hàng, với những kiện hàng chở đầy nấm khô, thảo mộc, quả mọng, và rất nhiều cá ngựa.
Trong y học Trung Quốc, cá ngựa được biết đến là một loại thần dược có thể gia tăng sinh lực cho nam giới, giống như Viagra. Sarah Foster, giám đốc chương trình của Dự án cá ngựa tại Đại học British Columbia ở Canada, cho biết phân tích dữ liệu thương mại toàn cầu cho thấy Hong Kong có khoảng 2/3 tổng lượng cá ngựa nhập khẩu từ năm 2004 đến 2017 trên toàn thế giới.
|
Cá ngựa được bày bán nhiều với đa chủng loại và kích cỡ. Ảnh: CNN
|
Quỹ Động vật hoang dã Thế giới đã báo cáo rằng do bởi tin tưởng rằng cá ngựa có thể mang lại sinh lực thực sự nên doanh số bán hàng của sản phẩm này đang tăng vọt ở thị trường Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia.
Hiện cũng không rõ số lượng cá ngựa còn bao nhiêu con trên thế giới những các chuyên gia cho rằng chúng đang bị đe dọa vì càng ngày nhu cầu cá ngựa của con người càng tăng.
Theo bà Foster, mỗi năm có khoảng 37 triệu con cá ngựa sống trong tự nhiên bị đánh bắt. Mặc dù,chính phủ đã đưa ra nhiều quy định để bảo vệ chúng nhưng nạn đánh bắt lậu vẫn tràn lan. Dự án cá ngựa cũng cho biết, quần thể cá ngựa gồm 11 loài trên thế giới đã giảm đáng kể từ 30-50% trong 15 năm qua.
Tại sao cá ngựa được coi là thần dược ở Trung Quốc
"Được biết, cá ngựa được đề cập lần đầu tiên trong tài liệu y học Trung Quốc vào năm 700, nhưng càng ngày việc dùng chúng như những liều thuốc đông y ngày càng phát triển rộng rãi hơn" - Ông Lashing Lao, giám đốc Trường Y học Trung Quốc tại Đại học Hong Kong cho biết.
"Theo lý thuyết y học Trung Quốc, cá ngựa là loài bổ dưỡng, có thể cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng. Chỉ cần pha cá ngựa với các loại thảo mộc, dùng như trà có thể điều trị được bệnh hen suyễn và rối loạn chức năng tình dục nam, bao gồm bất lực và xuất tinh sớm" - Ông Lao cho biết thêm.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học chính thức nào cho thấy khô cá ngựa có thể làm giảm hen suyễn hoặc tăng hiệu suất tình dục. Thêm vào đó, chưa có bất kỳ thử nghiệm lâm sàng nào được thực hiện trên người về lĩnh vực này.
Là một thuộc địa cũ của Anh, y học Hong Kong là sự pha trộn giữa cả Tây Y và Đông Y. Theo thống kê, có khoảng 7.425 thầy thuốc Đông y trên toàn Hong Kong. Đủ thấy rằng, nhu cầu về y học cổ truyền ở đây cũng khá nhiều, nên lượng cá ngựa được tiêu thụ ở đây cao là điều đương nhiên.
Được biết, giá bán lẻ cá ngựa khô ở Sheung Wan lên tới 40 USD Hong Kong (120.000 đồng)/con. Một trợ lý bán hàng dấu tên ở Sheung Wan cho biết, khách hàng mua cá ngựa đa phần là những người đàn ông tuổi trên 50.
Động vật cần được bảo vệ
Năm 2002, tất cả các loài được liệt kê theo Phụ lục II của Công ước CITES, là Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp. Với danh sách này, cá ngựa chỉ có thể được xuất khẩu nếu có giấy tờ chứng minh được có nguồn gốc bền vững và hợp pháp. Vậy nên, về lý thuyết, cá ngựa là động vật được bảo vệ.
Một số quốc gia, bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia, đã đi xa hơn và áp dụng lệnh cấm nuôi và xuất khẩu cá ngựa.
"Nhưng những nỗ lực này đã không cứu được cá ngựa. Thay vào đó, các lệnh cấm đã tạo ra một thị trường đen." - Bà Foster nói
Hồi đầu năm nay, một dự án nghiên cứu tại Hong Kong đã thẩm vấn 220 thương nhân về nguồn gốc của số cá ngựa của họ trong năm 2016 và 2017. Kết quả cho thấy, ước tính 95% cá ngựa được nhập khẩu từ các quốc gia có lệnh cấm xuất khẩu.
Các thương nhân tiết lộ rằng Thái Lan là nhà cung cấp số một cho các cửa hàng thuốc Đông y tại Hong Kong, mặc dù nước này đã chính thức có hiệu lực dừng xuất khẩu cá ngựa vào tháng 1-2016.
Vì cá ngựa khô khá nhỏ và không dễ hư hỏng, nên có dễ dàng được nhập lậu qua biên giới. Đôi khi chúng được trộn lẫn trong các lô hàng hỗn hợp với các hải sản khô khác. Một số thương nhân thậm chí thú nhận rằng, họ mang lậu cá ngựa qua biên giới bằng vali.
Một mặt khác, các công ước nhằm bảo tồn cá ngựa ở nước này chỉ để kiểm soát xuất nhập khẩu, nhưng luật không hề cấm buôn bán trong lãnh thổ Hong Kong. Vậy nên, các cửa hàng thuốc Đông y ở Sheung Wan hoàn toàn không vi phạm luật bán cá ngựa, theo người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn (AFCD) của chính phủ Hong Kong.
Người phát ngôn cũng cho biết rằng, trong nhiều năm qua AFCD cũng đã cố gắng ngăn chặn việc nhập khẩu bất hợp pháp cá ngựa. Đơn cử là năm 2018, chính quyền Hong Kong đã bắt giữ 45 lô hàng cá ngựa khô nặng tổng cộng 470 kg với khoảng 175.000 con cá ngựa. Người bị phạt nặng nhất cho tội buôn lậu là bốn tháng tù.
Thị trường y học cổ truyền đang gia tăng nhu cầu về cá ngựa, buộc các cửa hàng phải bằng mọi cách tìm nguồn cung ứng, dẫn đến việc ngư dân phải gia tăng việc đánh bắt cho dù đó là bất hợp pháp.
Chưa kể, cá ngựa là loại động vật tương đối hiếm, nên việc đánh bắt cá ngựa không giống như đánh bắt cá thông thường. Thường cá ngựa bị mắc vào lưới của ngư dân khi họ đánh bắt cá.
Hiện nay, việc triển khai tàu đánh cá cặp đang ngày càng phổ biến. Những cặp tàu cá giăng một lưới lớn và đánh bắt bất kể loại nào cá nào vào lưới. Vậy nên, cũng rất khó khi cấm ngư dân buôn bán cá ngựa, do bởi vô tình hay cố ý thì cá ngựa cũng đã được kéo lên bờ, và chúng gần như khó sống sót khi được thả về lại đại dương. Và không lý gì ngư dân lại bỏ đi một loài có giá trị như vậy.
Bà Foster cho biết cách duy nhất để cứu cá ngựa là quản lý nghề cá tốt hơn. Các quốc gia nên giảm quy mô đội tàu đánh cá vào các khu vực được cho là có nhiều cá ngựa, hoặc thậm chí là cấm các tàu đánh cá vào các khu vực kể trên.