Đến với nghề làm đính kết như một cái duyên, Minh Hiền không nghĩ bản thân có thu nhập cao từ nghề này. Càng làm, cô lại càng thấy mê mẩn các sản phẩm mình làm ra và dần trở thành đam mê, muốn tìm hiểu kỹ và phát triển mạnh hơn nữa.
Trước đây, cô không hề biết đính kết là gì, thậm chí cô còn xem thường những sản phẩm từ nghề này, coi đó là đồ hàng mã, không có giá trị. Sau khi biết đến các sản phẩm này được cài trên khăn, áo, mũ... để trang trí cho đẹp mắt, Hiền đã thấy thích thú và cảm thấy hợp với cá tính của mình.
Một sản phẩm đính kết do Minh Hiền làm ra.
Ban đầu mới vào nghề, Minh Hiền chỉ làm vì đam mê, thỏa mãn sở thích của mình là chính. Vì thế, làm xong sản phẩm nào, cô đều đăng bài lên mạng xã hội để khoe mọi người. Sản phẩm đầu tiên của cô đăng lên, bất ngờ có người hỏi mua với giá 500.000 đồng. Số tiền này chính là động lực để Hiền đầu tư vào phát triển nghề này.
“Ban đầu, gia đình tôi phản đối nhiều lắm, không một người nào đồng ý cho làm. Vì tôi học ngành Kiến Trúc của Đại học Xây dựng, đại gia đình của tôi lại đi theo truyền thống học hành. Khi biết tôi rẽ hướng, mọi người trong nhà đã không ai hỗ trợ gì lại còn gọi điện nhắc nhở hằng ngày khiến tôi mệt mỏi và căng thẳng”, Hiền bộc bạch.
Mỗi lần bố mẹ lên thăm phòng, cô gái này lại đem giấu hết đồ nghề xuống gầm giường và các khu vực không ai để ý. Chính vì không nhận được sự ủng hộ, Hiền lại càng cố gắng hơn để chứng tỏ bản thân và ấp ủ một ngày sẽ công khai cho cả gia đình biết khi đã có chút thành tựu gì đó trong nghề.
Những sản phẩm này có thể cài áo, khăn... giá bán khoảng vài trăm nghìn đồng.
Chỉ với 500.000 đồng ban đầu, Hiền đã mua các vật dụng khá rẻ tiền về làm thành sản phẩm. Sau này, khi tiền kiếm về nhiều hơn, cô đầu tư hơn về vật liệu và nâng tệp khách hàng của mình. “Trước vài trăm nghìn mua được rất nhiều hạt nhưng nay đến chục triệu đồng cũng chỉ mua được mấy lọ cườm nhỏ bằng ngón tay út”, Hiền nói.
Kéo theo đó, các sản phẩm của cô ngày càng có giá trị cao, phục vụ các khách hàng có tiền. “Thời gian làm mỗi sản phẩm này tùy thuộc vào độ khó, màu sắc của sản phẩm. Có nhiều sản phẩm màu sắc rất khó tìm, việc phối màu cũng khó khăn. Nó không như tranh vẽ là có thể tự pha, loang màu được mà phải kiếm được màu trung gian để khi chuyển nhìn thuận mắt và êm dịu”, cô nói,
Nghề này cho Hiền có thu nhập khá nhưng thay vào đó là những ngày lao động miệt mài.
Theo Hiền, người làm những sản phẩm đính kết để ý nhất là hình khối và màu sắc. Hình khối giúp sản phẩm sắc nét, còn màu sắc giúp sản phẩm sang trọng hơn. Những kỹ thuật này đều có thể học và làm được nhưng những người có con mắt nghệ thuật sẽ tiếp thu và phát triển nhanh hơn, không phụ thuộc vào hướng dẫn của bất kỳ ai.
“Nhìn những sản phẩm đính kết rất đơn giản nhưng thực tế lại đòi hỏi kỹ thuật nhiều. Người làm phải kiên trì mới có thể làm được. Vì mỗi sản phẩm đều làm bằng tay hoàn toàn nên cần sự khéo léo và tỉ mỉ từng chút một. Mỗi ngày, tôi làm nhanh nhất được khoảng 3-5 sản phẩm mà thôi”, cô bộc bạch.
Mỗi sản phẩm đính trên áo được bán với giá khoảng vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng. Không chỉ thế, Hiền còn làm cả những hạt đính kết trên đầm dạ hội, đính kết áo dài, váy cưới, làm hoa cài tóc... cho các nhà thiết kế thời trang.
Đợt dịch Covid-19 tháng 3 vừa qua, sản phẩm đính kết bán ra số lượng giảm sút nên cô lại làm thêm các bông hoa bằng vải để cài lên áo, váy để tăng doanh thu. Tuy nhiên, các đơn hàng vẫn lẻ tẻ, chưa có nhiều.
Nói về thu nhập từ 2 loại sản phẩm này cô cho biết những tháng bình thường sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng/tháng, còn tháng cao điểm (cuối năm) có thể lên tới 300 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng Covid, doanh thu của Hiền cũng giảm đi đáng kể.
Cô chia sẻ để có thu nhập nhiều người mơ ước này, cô phải dành hầu hết thời gian trong ngày để làm, mỗi ngày chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng khi vào mùa. “Có những ngày để làm kịp cho khách, tôi thức xuyên 2-3 ngày đêm là chuyện bình thường. Nhưng tôi vẫn thấy vui vì khách hàng ủng hộ và sẽ phấn đấu phát triển hơn nữa trong tương lai”, Hiền chia sẻ.