Bỏ việc, cô gái Nùng thu cả tỷ đồng mỗi năm nhờ nghề này

Google News

Cô gái dân tộc Nùng - Vi Thùy Dương không chỉ có cho mình nguồn thu nhập cao mà còn giúp cho nhiều người dân trong xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Chị Vi Thùy Dương chia sẻ bản thân là con nhà nòi theo ngành giáo dục nhưng luôn trăn trở cần phải làm việc gì đó cho quê hương, để nâng cao thu nhập, dần mang lại cuộc sống ổn định và bền vững cho bà con.

Những kinh nghiệm trong thời gian cộng tác cùng tổ chức phi chính phủ ChildFund triển khai các dự án công đồng ở địa bàn huyện cũng như trên toàn tỉnh Bắc Kạn đã giúp chị tìm được hướng đi riêng của mình. Chị đã quyết định chọn cây sả để khởi nghiệp với hướng đi chế biến tinh dầu và ước mong thúc đẩy cây sả thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con quê nhà.

Tuy nhiên, chị Dương thừa nhận, quyết định của mình ban đầu đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ các thành viên trong gia đình. Chị chia sẻ, khi biết mình bỏ nghề giáo viên ra ngoài làm đã bị mẹ đẻ từ mặt, chồng cũng cho rằng ý tưởng của chị là viển vông nên hai người cũng có rạn nứt và năm 2017 anh chị li thân.

Bo viec, co gai Nung thu ca ty dong moi nam nho nghe nay

Sau bao nỗ lực, chị Vi Thùy Dương đã bước đầu gặt hái những thành công trên con đường khởi nghiệp của mình

Dù không nhận được sự ủng hộ, nhưng chị vẫn quyết định theo đuổi ý tưởng. Chị Dương kể, bản thân khởi nghiệp bằng nguồn vốn vay ít ỏi của Hội phụ nữ huyện và ban đầu khi vận động bà con trồng sả để làm nguyên liệu thì cũng chẳng ai tin. Với quyết tâm chứng minh cho gia đình thấy hướng đi của mình là đúng, chị đã dành nhiều thời gian tìm hiểu công nghệ làm tinh dầu sả, đi khắp mọi nơi để tìm hiểu thị trường.

Khi tham gia chương trình "OCOP – Mỗi xã phường 1 sản phẩm", chị nhận được sự hướng dẫn bài bản từ các chuyên gia, nhờ đó sản phẩm được hoàn thiện và kết nối để bán ra ngoài.

Đến năm 2018, chị thành lập HTX sản xuất và sau khoảng gần nửa năm chính thức đi vào hoạt động, chị đã xuất ra thị trường các sản phẩm tinh dầu đầu tiên, được người tiêu dùng đón nhận với giá bán lẻ 1.200.000 đồng/lít tinh dầu sả và 2.500.000 đồng/lít tinh dầu bưởi.

Để thuận tiện cho người sử dụng, chị cho đóng sản phẩm thành dạng lọ 10ml, 15ml, 50ml… và dạng treo xe ô tô. Hiện mỗi năm HTX sản xuất ra gần 600 lít tinh dầu sả chủ yếu cung cấp cho các công ty dược và bán lẻ ra thị trường. Bên cạnh tinh dầu, sản phẩm Hydrosol (tinh dầu bão hòa) của sả với nhiều công dụng để lau sàn nhà, xịt đuổi muỗi, pha nước tắm, xông hơi… cũng được thị trường ưa chuộng.

Đến nay, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu sả có diện tích 7ha. Chị cho biết, cây sả có thể cho thu hoạch 4 – 5 năm mới phải trồng lại, mỗi lần thu hoạch chỉ việc cắt lá. Thu nhập trung bình của bà con xã viên tham gia sản xuất từ 30-40 triệu đồng 1ha lá/1 năm. Lá sả sau khi chưng cất xong, lá dài được sấy khô, đan thành đồ thủ công mỹ nghệ, phần bã nát thì ủ lấy phân. Cả quá trình sản xuất, không đưa một chút rác thải nào ra môi trường.

Ngoài cây sả, chị còn phát triển thêm sản phẩm tinh dầu quýt. Tại các vùng trồng quýt ở Bắc Kạn, quả quýt loại nhỏ thường bị loại bỏ do không bán được, HTX đã thu mua để sản xuất tinh dầu.

Bo viec, co gai Nung thu ca ty dong moi nam nho nghe nay-Hinh-2

Cô gái dân tộc Nùng hy vọng mô hình của mình sẽ góp sức giúp cho chị em phụ nữ thiệt thòi, người dân tộc thiểu số thoát nghèo

Với phương thức sản xuất theo phương pháp chưng cất hơi nước nên bình quân 1 tấn vỏ quýt sẽ thu được khoảng 7 lít tinh dầu. Còn những múi quýt lại được tận dụng chế biến nước uống đóng chai giải khát, áp dụng phương pháp ủ lên men theo công nghệ Nhật Bản.

Ngay trong mùa đầu tiên chị đã kí được 1 hợp đồng xuất khẩu tinh dầu quýt lớn với 1 công ty Dược tại Hà Nội với trị giá hợp đồng lên tới gần 700 triệu đồng và giải quyết cho bà con được hơn 100 tấn quýt tận dụng.

Nhằm mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, chị Dương đã chủ động thường xuyên đưa các sản phẩm của HTX tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ kết nối và các chương trình khởi nghiệp trên toàn quốc.

Hiện nay các sản phẩm tinh dầu của hợp tác xã được phân phối chủ yếu tại thị trường bán lẻ trong và ngoài tỉnh, như: Hà Nội, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên… HTX cũng thiết lập gian hàng giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng miễn thuế Hữu Nghị (cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn) để tiếp cận khách hàng, đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chị Vi Thùy Dương cho biết mục tiêu bền vững xuyên suốt của HTX là xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ phục vụ sản xuất; áp dụng công nghệ hiện đại của thế giới trong chế biến dược liệu; mở thêm xưởng đan đồ thủ công mĩ nghệ cho chị em phụ nữ thiệt thòi, người dân tộc thiểu số cải thiện thu nhập.

Theo Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)