Thời điểm ấy, tiến độ được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thống kê mới chỉ là 100,7% dự toán.
Chỉ sau đó vài ngày, số thu được Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thậm chí còn lớn hơn thế rất nhiều, hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 107,8% dự toán.
Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, vị tư lệnh ngành tài chính mới có dịp trải lòng về chừng ấy những con số và những câu chuyện đã từng gây sốt dư luận. Đó là lúc khi giá dầu chỉ còn một nửa dự toán và ngân sách thực sự cân đối không mấy dễ dàng, đó cũng là những dự án không trả được nợ và Chính phủ phải gánh thay,…
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng để cùng nhìn lại những vấn đề được nói tới nhiều nhất trong một năm vừa qua.
Nhiều kịch bản giá dầu
- Năm 2016 là năm gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao. Tới bây giờ, nhìn lại một năm đã qua, Bộ trưởng có cảm nghĩ gì?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bước vào triển khai kế hoạch tài chính ngân sách năm 2016, chúng tôi đã gặp nhiều thuận lợi nhưng khó khăn cũng lớn. Trước hết là tăng trưởng kinh tế không được theo dự báo ban đầu. Trong nước, những diễn biến không thuận lợi nhất là sự cố môi trường, thiên tai xảy ra trên cả nước cũng tác động lớn tới phát triển kinh tế xã hội.
Hết năm, chúng ta tăng trưởng 6,21% GDP trong khi mức dự kiến trước đó là 6,7% GDP. Cân đối ngân sách của chúng tôi được tính trên cơ sở tăng trưởng 6,7% GDP nên có thời điểm ngân sách khó cân đối thu chi.
Hai là giá dầu ở mức thấp, dự toán ta đưa ra ban đầu là 60 USD/thùng nhưng hồi đầu năm, giá dầu thậm chí chỉ còn 30 USD/thùng. Bình quân quyết toán cả năm cũng chỉ 44 USD/thùng, giảm 16 USD/thùng so với dự toán.
Bởi vậy, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương để tập trung chỉ đạo, thực hiện. Với giá dầu, chúng tôi đã có những kịch bản để điều hành với nhiều mức từ 30-35 USD thùng tới 55-60 USD/thùng.
Riêng quản lý thu ngân sách, từ đầu năm, chúng tôi đã làm quyết liệt, kể từ việc hướng dẫn người nộp thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thanh kiểm tra chống thất thu thuế. Toàn ngành đã thực hiện hơn 92.000 vụ thanh kiểm tra qua đó xử lý hơn 37.000 tỷ đồng. Đó là thành tích lớn. Thu nợ thuế năm qua cũng đạt hơn 42.000 tỷ đồng, đưa số nợ thuế cuối năm 2016 giảm so với thời điểm cách đó 1 năm.
Cuối năm, ngành đã hoàn thành 107,8% dự toán Quốc hội thông qua trong đó ngân sách địa phương vượt cao và Trung ương đảm bảo. Đó là điều quan trọng trong điều kiện tăng trưởng kinh tế không như kế hoạch.
Năm đạt kết quả tốt nhất về tái cơ cấu nợ công
- Nợ công là vấn đề được nhắc tới nhiều trong năm qua, công tác cơ cấu, minh bạch hóa nợ công năm 2016 có điểm gì đặc biệt, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Về vấn đề minh bạch, chúng tôi đã thường xuyên báo cáo số liệu nợ công nhiều lần trước Quốc hội, trước Chính phủ.
Về tái cơ cấu nợ công, năm 2016 là năm đạt được kết quả tốt nhất trong nhiều năm vừa qua.
Cụ thể, với huy động vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, mục tiêu Chính phủ đặt ra: huy động vốn thời hạn 5 năm trở lên là 70%, thời hạn 3 năm là 30% nhưng năm 2016 chúng tôi đã huy động vốn kỳ hạn 5 năm trở lên là 91%.
Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ năm qua đã lên 5,71 năm, dài gấp 3 lần năm 2011 và gấp 2 lần năm 2013.
Chúng ta huy động năm vừa qua với lãi suất bình quân trên dưới 6% là rất tốt. So sánh những năm 2012-2013, lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ có lúc lên tới 12-13%. Những khoản huy động trái phiếu ngắn hạn 2-3 năm thời điểm đó đến nay đã trả hết và kéo dài được kỳ hạn. Như vậy, so với giai đoạn đó, kỳ hạn trái phiếu đã dài gần gấp đôi và lãi suất giảm một nửa. Chúng ta đang đi đúng hướng.
- Nhắc thêm về nợ công, tại cuộc họp tổng kết cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo Bộ Tài chính cần phải tiếp tục cơ cấu lại nợ công. Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch của Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo này?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Để cơ cấu lại, ta phải cơ cấu lại danh mục hiện có, làm sao kéo dài kỳ hạn, giảm nghĩa vụ nợ, giảm lãi suất. Ngoài ra, ta cũng phải tăng nợ trong nước, giảm nợ nước ngoài để tránh rủi ro.
Do vậy, tới đây, tôi kiến nghị trình Chính phủ Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Cụ thể, các vấn đề liên quan tới nợ công ví dụ như hiệu quả nợ công phải được kiểm soát chặt chẽ. Một trong những giải pháp đang triển khai là tăng vay về cho vay lại, giảm cấp phát cho địa phương.
Ngoài ra, ta cần kiểm soát chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ. Vừa qua một số dự án ta bảo lãnh có dự án không trả được nợ, Chính phủ phải trả thay. Theo tôi, phải hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ.
Tôi cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm các ngành các cấp trong quản lý, sử dụng nợ công, khi xảy ra sự kiện gì thì phải rõ trách nhiệm. Một điểm nữa là Luật Ngân sách Nhà nước có hiệu lực từ năm 2017 có điểm mới là có bội chi địa phương. Bây giờ vay ở đâu, bội chi ở đó. Nợ của chính quyền địa phương cũng phải được kiểm soát, tổng hợp báo cáo Quốc hội thông qua.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!