Bị Tòa án mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai kinh doanh lỗ - lãi thế nào?

Google News

Cổ phiếu DLG của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị bán tháo trong bối cảnh Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có quyết định mở thủ tục phá sản với tập đoàn này theo đơn yêu cầu của Lilama 45.3.

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản với Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) sau khi xem xét đơn yêu cầu của Công ty Lilama 45.3 (tỉnh Quảng Ngãi). Nguyên nhân do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Theo đó, trong 30 ngày từ 9/10/2023, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản là ông Lê Đình Nam. Giấy đòi nợ thể hiện rõ các thông tin bắt buộc là: Tổng số nợ phải trả, gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán, số nợ chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm, số nợ không có bảo đảm mà Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải trả, khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).
Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ. Hết thời hạn 30 ngày, Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ phá sản để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Vẫn có khả năng thanh toán nợ
Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở thủ tục phá sản, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai có đơn khiếu nại, đề nghị tòa án thu hồi quyết định này.
Thông tin trên báo chí, trong đơn, ông Nguyễn Trường Cọt, Tổng Giám đốc Đức Long Gia Lai cho rằng, công ty đã giải trình về việc giải quyết công nợ với Công ty CP Lilama 45.3 và khả năng thanh toán công nợ của công ty. Đồng thời, công ty cũng cung cấp cho tòa án báo cáo tài chính các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó thể hiện rõ việc công ty có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ.
“Việc Công ty CP Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty chúng tôi nhằm mục đích tạo áp lực, gây mất uy tín của công ty chúng tôi, làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của người lao động và nộp ngân sách cho Nhà nước, nhằm buộc công ty chúng tôi phải thanh toán nợ theo yêu cầu vô lý của công ty này”, ông Cọt ý kiến trong đơn.
Bi Toa an mo thu tuc pha san, Duc Long Gia Lai kinh doanh lo - lai the nao?
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG). Ảnh: Internet. 
Sau thông tin về quyết định của tòa án, trong phiên sáng 13/10, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai đã giảm sàn xuống mức 2.420 đồng/cp, lượng dư bán sàn hơn 5 triệu đơn vị. So với mức đỉnh ngày 16/8, cổ phiếu DLG đã giảm 26%. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai vẫn đang nằm trong diện cổ phiếu bị cảnh báo từ ngày 13/4/2023.
Ở diễn biến liên quan, trước đó, vào cuối tháng 7/2023, Công ty CP Lilama 45.3 có đơn gửi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Đức Long Gia Lai vì không đòi được khoản nợ 20 tỷ đồng.
Sau khi nhận được thông báo, lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho hay, doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính tạm thời do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ năm 2020 - 2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Trong nước, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao, việc tiếp cận vốn khó khăn.
Lãnh đạo Đức Long Gia Lai khẳng định, công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng; nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
Trong khi đó, khoản nợ của Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty, do đó, công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.
Cùng đó, lãnh đạo Đức Long Gia Lai cũng cho biết, đã làm việc, đưa ra lộ trình trả nợ và sẵn sàng trả nợ cho Lilama 45.3 sau khi hai bên thống nhất lộ trình thanh toán, nhưng phía Lilama 45.3 chưa đồng ý.
Từng bị ngân hàng siết nợ, cho vay tín chấp hàng nghìn tỷ
Theo thông tin giới thiệu tại website: duclonggroup.com, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, Tập đoàn có 5 công ty thành viên trụ sở đặt tại nước ngoài, trong đó 2 công ty tại TP Đông Quản và TP Thẩm Quyến (Trung Quốc), Hồng Kông, Hàn Quốc và Mỹ.
Niêm yết trên sàn chứng khoán từ rất sớm (năm 2010), Đức Long Gia Lai vốn là một trong những tập đoàn lớn của tỉnh Gia Lai, sánh vai với Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Tại thời điểm 30/6/3023, vốn chủ sở hữu của công ty là hơn 1.133 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Đức Long Gia Lai đạt 511 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp còn lãi ròng gần 28 tỷ đồng, chuyển biến tích cực hơn so với khoản lỗ 370 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo soát xét bán niên 2023, tại ngày 30/6, tổng tài sản của Đức Long Gia Lai gần 5.702 tỷ đồng, trong đó phần lớn nằm ở tài sản cố định (2.509 tỷ đồng), các khoản phải thu về cho vay (2.321 tỷ đồng). Trong đó, công ty cũng trích lập dự phòng 1.362 tỷ đồng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.
Đáng chú ý, tổng các khoản cho các tổ chức, cá nhân vay tại ngày 30/6/2023 là 2.321 tỷ đồng. Các khoản này đều là cho vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo. Trong đó, Đức Long Gia Lai cho vay nhiều nhất là Công ty CP Trồng rừng và Cây công nghiệp Đức Long Gia Lai (số dư cuối kỳ là 379 tỷ đồng) và Công ty CP Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên (321 tỷ đồng). Ngoài ra, Đức Long Gia Lai còn cho vay các đối tượng khác với lãi suất 7 – 11,8%/năm…
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy, thời điểm 30/6/2023, Đức Long Gia Lai còn khoản lỗ lũy kế 2.042 tỷ đồng; các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn của công ty là 1.223 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả ở mức 4.568,7 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính gần 2.946 tỷ đồng, chiếm 64% tổng nợ phải trả và tương đương 52% tổng nguồn vốn, và chủ yếu được tài trợ qua kênh ngân hàng. Về vấn đề này, doanh nghiệp cho biết đã có kế hoạch thanh lý, nhượng bán tài sản đảm để có dòng tiền trả nợ ngân hàng trong giai đoạn 2023 - 2025.
Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán chưa đủ bằng chứng để xác định giá trị của các tài sản trên, dẫn đến không thể xác định các tài sản này có phù hợp với kế hoạch trả nợ của Đức Long Gia Lai hay không. Do đó, đơn vị kiểm toán cho rằng việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai. Trước đó, phía kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ trên trong nhiều kỳ.
Căn cứ giải trình ý kiến kiểm toán, Đức Long Gia Lai thông tin đến thời điểm 15/8, công ty đã thu hồi khoản nợ khó đòi hơn 422 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân. Những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục từ 2022 đến nay, công ty đang từng bước khắc phục.
Trong một diễn biến khác, trước đó, cuối tháng 9/2022, ngân hàng VietinBank từng thông báo xử lý tài sản bảo đảm của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai để thu hồi nợ. Tài sản cần xử lý là quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (diện tích 3.180m2) và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của dự án Bến xe khách liên tỉnh.
Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu được VietinBank đưa ra là gần 48,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được dùng để thanh toán nợ vay của khách hàng tại VietinBank...

Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)