Anh Việt cho biết, để có được thành quả trên, anh đã mất hơn 10 năm đeo đuổi công việc nghiên cứu, thử nghiệm và nhiều lần phá sản mất trắng. Khởi đầu của anh là vốn tiếng Nhật thông thạo cùng những lần hỗ trợ các chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu nuôi trai lấy ngọc tại Hạ Long.
Năm 2012, việc tự đứng ra làm ngọc tại Hạ Long thất bại, anh trở về Ninh Bình. Trong lúc đi bộ dọc đê sông Đáy, nhìn cảnh người bán trai lấy ruột, bỏ vỏ, Đinh Văn Việt cảm thấy lãng phí và quyết định mua 1 tấn trai để tiếp tục thử nghiệm cấy ghép. Thời điểm này anh cũng tìm ra được 4 loài trai nước ngọt ở Ninh Bình phù hợp với việc làm ngọc.
Từ 1 tấn trai thu mua của người dân và nhân cấy được mua từ Công ty cổ phần ngọc trai Việt Nam, Đinh Văn Việt tiến hành triển khai cấy ghép ngọc trai dựa trên phương pháp ghép nhân và mô tế bào vào màng áo của trai cấy. Ngoài ra, để tạo sự phong phú và đa dạng thêm về hình dáng sản phẩm, anh đã triển khai thử nghiệm với phương pháp cấy phôi.
|
Anh Việt chăm sóc trai lấy ngọc tại các bể nuôi thuần dưỡng trai tại gia đình ở Ninh Bình. |
Đầu năm 2014, anh Việt gửi mẫu ngọc thành phẩm sang Công ty Inoue Hanzu (Nhật Bản) để phân tích, kiểm định về chất lượng. Sản phẩm được các chuyên gia Nhật đánh giá cao thông qua 5 tiêu chí về độ dày, hình dạng, màu sắc, độ bóng và độ sáng.
Một số đối tác của Nhật đã hỗ trợ doanh nghiệp anh về kiến thức và các điều kiện về vật chất để doanh nghiệp phát triển được.Sau hơn 10 năm dày công thí nghiệm, anh đã tìm được những vị trí thích hợp và mổ cấy ghép thành công nhân ngọc trai kích thước 10mm, với tỷ lệ trai mẹ sống lên tới 70%.
Sau khi nuôi từ một năm rưỡi đến hai năm, một viên ngọc trai có thể được bán với giá gần cả triệu đồng. Những viên ngọc màu sắc đẹp kích thước từ 15mm trở lên có mức giá lên đến trên 8 triệu đồng. Trung bình mỗi năm đơn vị của anh Việt bán ra thị trường trong nước và ngoài nước hàng nghìn viên ngọc, trong số đó có nhiều viên có kích cỡ lớn anh Việt bán cho đối tác hàng chục triệu đồng/viên.