|
Một góc nuôi trai của chàng trai 9x Nguyễn Đình Tùng. Ảnh: Nguyễn Hoàn. |
Tình cờ bén duyên với nghề độc, lạ
Năm 2015, trong chuyến thăm bạn ở tỉnh Ninh Bình, Nguyễn Đình Tùng tình cờ biết đến mô hình nuôi trai lấy ngọc. Nhận thấy tiềm năng nghề mới mẻ, độc đáo Tùng quyết định học hỏi. Sau 1 năm ở lại trang trại nuôi trai của bạn để học, tích lũy kinh nghiệm, tháng 6.2016, Tùng trở về quê quyết tâm khởi nghiệp.
Được sự ủng hộ của gia đình, Tùng gom được gần 1 tỷ đồng làm vốn. Anh thả nuôi 10.000 “con ngậm miệng” trên diện tích 5 sào nước mặt. Anh Tùng chia sẻ, nghề nuôi trai lấy ngọc là cả một quá trình. Sau khi bắt trai từ sông thì cần phải “thuần hóa” bằng cách đổ ra suối “dưỡng” giúp trai ổn định. “Khi đem trai về thí điểm, vừa làm vừa thử nghiệm ở các sông, hồ khác nhau, với độ nông sâu khác nhau. Mục đích để xem trai thích nghi tốt ở môi trường nào, độ sâu nào thì sẽ cấy trai số lượng lớn ở vị trí đó”.
|
Anh Tùng bên một con trai lớn đã "cấy" ngọc. Ảnh: Nguyễn Hoàn. |
Tiết lộ với PV Nhà nông/Danviet, ông chủ trẻ cho hay, một lứa trai kéo dài 2 năm, sau khi chọn giống thả trai vào ao, suối để thuần trong 10-20 ngày. Sau đó, đưa vào bể dưỡng 24-48h để trai nhả bùn. Kế tiếp thực hiện công đoạn cấy ngọc vào trai. Sau khi cấy ngọc chuyển trai sang bể dưỡng (không có bùn, đất) trong 15-20 ngày để trai lành vết thương. Lúc này, cho từng con trai vào mỗi túi lưới khác nhau, treo lên giàn ngầm chìm xuống bể nuôi. Túi trai ngâm sâu trong nước từ 50-100cm, xong công đoạn này là chăm sóc và chờ ngày thu hoạch.
|
Anh Tùng kiểm tra trai trong bể nhả bùn trước khi “cấy” ngọc. Ảnh: Nguyễn Hoàn. |
Theo anh Tùng, nguồn nước để nuôi trai cũng rất nghiêm ngặt, nhiệt độ phải luôn duy trì từ 20-30 độ. “Nếu nhiệt độ nước quá cao hoặc thấp quá sẽ khiến cho trai chết, gây thiệt hại cho người nuôi. Khi mới bắt đầu, phải xem nguồn nước có bị phèn chua không, không ở gần các khu công nghiệp dễ bị ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, một năm cần phải thay ít nhất lần nước để đảm bảo tỷ lệ trai sinh trưởng tốt” – anh cho biết.
“Thức ăn chính của trai là tảo. Trong bể tôi nuôi kết hợp cá chép với số lượng vừa phải. Cá chép sẽ có nhiệm vụ khoắng nước dưới bể giúp tảo bám vào thành túi, cung cấp thức ăn cho trai”, anh Tùng nói tiếp.
Sẽ thu hoạch gần 5 tỷ đồng
Chia sẻ về phương pháp cấy ngọc vào trai anh Tùng cho hay, cấy ngọc phải trải qua 2 công đoạn cắt tế bào và cấy ghép. Các công đoạn này đòi hỏi người thợ sự kiên nhẫn, tỷ mỉ, chính xác đến từng milimet.
|
Anh Tùng thực hiện cấy”ngọc vào trai. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
|
Cũng theo anh Tùng, thời gia nuôi thả trai cấy ngọc vào khoảng 2 năm, trung bình 1 con trai cấy 2 viên ngọc. Tỷ lệ cấy thành công 60%. Kỹ thuật cấy ghép cần thực hiện rất cẩn thận tránh trai bị nhiễm trùng, đảm bảo tỷ lệ trai ngậm nhân cao.
Nguyễn Đình Tùng thổ lộ với PV Nhà nông/Danviet rằng, ngọc trai kích cỡ nhỏ hơn 5 mm sẽ có giá từ 300 – 500 nghìn đồng/ viên. Những hạt từ 6mm – 9mm giá dạo động từ 600 – 800 nghìn đồng/ viên. Được biết, chưa đầy 1 năm nữa anh Tùng sẽ thu hoạch lứa trai đầu tiên. Với tỷ lệ cấy ngọc trai thành công 6.000 con trai sinh trưởng tốt, dự tính anh Tùng sẽ thu được 12.000 viên ngọc-tương đương sẽ thu được gần 5 tỷ đồng.
Hiện tại, danh tiếng trại nuôi ngọc trai lấy ngọc của anh Tùng vang tới tận Nhật Bản, Hồng Kông. Một số doanh nghiệp các nước này đã đặt hàng số lượng lớn ngọc trai của trại anh Tùng. Anh Tùng phấn khởi nói: “Tôi sẽ phát triển trong nước nhiều hơn bởi nhu cầu sử dụng sản phẩm ngọc trai thuần khiết của người Việt là rất lớn. Trong tương lai, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế”.