CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HAG) vừa có văn bản phản hồi về thông tin FPT Capital khởi kiện ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) và Công ty liên quan đến tranh chấp hợp đồng góp vốn.
Ép "Bầu Đức" mua lại cổ phiếu HNG với giá cao
HAGL cho biết, ngày 19.12.2011, FPT Capital và CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai nay chuyển đổi thành CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - HNG) đã ký với nhau Hợp đồng góp vốn cổ phần với tổng giá trị 76,5 tỷ đồng tương ứng 1,5 triệu cp giá 51.000 đồng/cp.
Tháng 6.2015, HNG phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 49.5% nâng tổng số cổ phần lên hơn 2,2 triệu cổ phiếu
Đến ngày 3.9.2015, FPT Capital có gửi thông báo đề nghị công ty và ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) mua lại toàn bộ 2.242.500 cổ phiếu HNG tại ngày 21.1.2016 với tổng giá trị xấp xỉ 113 tỷ đồng, tức hơn 50.000 đồng/cp. Trong khi đó, cổ phiếu HNG đã niêm yết trên HoSE vào ngày 20.7.2015 và tại thời điểm đầu tháng 9.2015 có thị giá khoảng 30.000 đồng. Hiện tại giá cổ phiếu HNG dao động quanh mức 15.000 -16.000 đồng.
|
Diễn biến giá cổ phiếu HNG trong 1 năm qua. |
HAGL của Bầu Đức cho rằng giá trị cổ phiếu HNG mà FPT Capital yêu cầu mua lại theo cách tính toán của FPT Capital là chưa hợp lý, trong khi Hợp đồng đang có một số vấn đề pháp lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên công ty chưa chấp nhận. Do 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung nên FPT khởi kiện ra tòa án.
Hiện tại, HAG đã cử Luật sư đại diện cho Công ty và ông Đoàn Nguyên Đức tham gia tố tụng và vụ kiện đang được Tòa án xem xét giải quyết chưa có phán quyết cuối cùng.
Thông tin trước đó, Tòa án Nhân dân Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đang thụ lý, giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư FPT – FPT Capital và bị đơn là ông Đoàn Nguyên Đức và Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai – HAGL. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico
Vận đen bám riết Bầu Đức
Sau khi lỗ “khủng” hơn nghìn tỷ vào 2016, Bầu Đức đã quyết định chuyển hướng kinh doanh sang trồng cây ăn trái. Năm 2017, mảng này đã đem lại cho Bầu Đức 4.841 tỷ đồng doanh thu và lãi hơn 372 tỷ đồng. Bước sang năm 2018, HAGL vẫn tập trung toàn lực vào trồng cây ăn trái và tự tin sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu châu Á trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của HAGL vẫn là dòng vốn và nợ đang rất tiêu cực.
Cuối tháng 6, HAGL phát hành lô trái phiếu với giá trị 2.217 tỷ đồng nhằm mục đích huy động vốn để mở rộng trồng chuối và ớt. Tuy nhiên, kế hoạch của bầu Đức đã thất bại hoàn toàn khi chỉ bán được vỏn vẹn 22 trái phiếu, thu về 220 triệu đồng.
Sau đó, nhiều tin xấu liên tiếp ập đến với Bầu Đức. Ngày 20.7, Chứng khoán SSI đã bán giải chấp để siết nợ 3,83 triệu cổ phiếu của cá nhân Bầu Đức, ước tính giá trị gần 24 tỷ đồng.
|
Công ty của bầu Đức lỗ ròng gấp 3 lần sau soát xét. |
Không lâu sau, thảm hỏa vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attepau tại Lào lại khiến Bầu Đức và các cổ đông “lao đao”. Tại nơi xảy ra sự cố này, có 3 doanh nghiệp của HAGL đang hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp và thủy điện.
Mới đây, doanh nghiệp của Bầu Đức tiếp tục “gặp hạn” với kết quả kinh doah “bết bát”.
Theo báo cáo soát xét, doanh thu thuần HAGL nửa đầu năm 2018 đạt gần 2.915 tỷ đồng, giảm nhẹ so với báo cáo tự lập, trong khi đó giá vốn lại tăng cao hơn, lên mức 1.486 tỷ đồng. Lãi gộp HAGL đạt 1.428 tỷ đồng, giảm 24 tỷ so với trước soát xét.
Doanh thu tài chính không thay đổi nhiều nhưng chi phí tăng lên gần 40 tỷ đồng. Một vài khoản mục chi phí khác của HAGL giảm nhẹ sau soát xét như chi phí quản lý, chi phí bán hàng và cả khoản lỗ khác cũng giảm.
Song, kết quả cuối cùng HAGL vẫn lỗ ròng gần 35 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng so với con số lỗ 11 tỷ đồng trước kiểm toán. Như vậy, số lỗ ròng trong nửa đầu năm nay của Bầu Đức tăng gấp 3 lần so với báo cáo tự lập trước đó
Kiểm toán cũng nhấn mạnh tại ngày 30.6, nợ ngắn hạn HAGL đã vượt tài sản ngắn hạn gần 5.429 tỷ đồng. Ngoài ra, HAG đã vi phạm một số điều khoản vay và trái phiếu. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.
Trước kết quả kinh doanh bết bát, đầu tháng 8 vừa qua, HAGL đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư và hợp tác toàn diện giữa các cổ đông với đối tác là CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú USD Trần Bá Dương với hy vọng tỷ phú Trần Bá Dương có thể giúp các doanh nghiệp của Bầu Đức hồi phục và trở thành đế chế trong lĩnh vực nông nghiệp. Đi cùng với đó, quyền lực của Bầu Đức cũng bị chia sẻ.
Bầu Đức từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thế nhưng trong vài năm gần đây các doanh nghiệp của Bầu Đức chìm vào khó khăn. Vận đen chưa biết đến bao giờ mới buông tha cho Bầu Đức.