Bất chấp thời tiết bất lợi vẫn cho 400 cây đu đủ "đẻ" quanh năm

Google News

Với 400 gốc đu đủ, ông Trần Văn Dũng ở thôn Tây Sơn (TP. Hà Nội) có tiền tiêu rủng rỉnh quanh năm. Bí quyết của ông Dũng nằm ở chỗ "bắt" đu đủ "đẻ" cả 4 mùa, bất chấp cả lúc thời tiết bất lợi.

Đứng từ trên đê bao sông Hồng nhìn xuống vườn đu đủ của ông Dũng thấy một màu xanh mướt. Cây nào cây nấy thẳng đứng, treo đầy quả. Trong khi các vườn bên cạnh trồng đu đủ, vào mùa lạnh đã héo rũ nhưng vườn đu đủ của ông Dũng thì ngược lại, vẫn phát triển tốt và cho thu hoạch đều.
Vườn đu đủ sai trĩu quả của ông Dũng giữa những ngày đông lạnh giá. 
Từng cây đu đủ được ông Dũng trồng theo hàng lối. Cây nào cũng sai trĩu quả. Quả nào cũng nhẵn bóng, mã đẹp và chín vàng đều. Ngày nào ông Dũng cũng thu hoạch đu đủ để cho vợ mang ra chợ bán. "Đu đủ nhà tôi thường xuyên không đủ hàng bán. Mỗi cân đu đủ tôi bán tại vườn giá 15.000đ/1kg. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tôi còn bán 25.000đ/1kg. So với các cây trồng trong vườn, đu đủ mang lại lợi nhuận cao nhất", ông Dũng tự hào khoe.
Khu vườn đu đủ của ông Dũng người ra, người vào tấp nập. Nhiều khách ở tận nội thành cũng cất công lái xe ô tô về tận vườn để mua cho được loại đu đủ ngon nức tiếng mà vợ chồng ông đã dày công trồng từ 7 năm qua. Với trên 400 cây đu đủ, ngày nào gia đình ông Dũng cũng thu cả triệu đồng. Dù các cây trong vườn cho quả quanh năm nhưng ông Dũng thường xuyên không có đủ hàng để bán.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất bãi tươi tốt trên quê hương Đan Phượng, suốt những năm qua, ông Dũng không ngừng sáng tạo trên đồng đất quê mình. Xung quanh khu vườn rộng hơn 1ha của gia đình, ông trồng đủ các loại cây như bưởi, rau cần, su hào, bắp cải. Dường như không một tấc đất nào ông bỏ trống. Ngày nào nhà tôi cũng thu tiền triệu. Cái hay của việc trồng đa canh là giúp người nông dân tránh được rủi ro.
Chia sẻ về bí quyết trồng đu đủ trồng 1 năm mà thu hoạch quả liên tục trong 3 năm, ông Dũng không giấu giếm: Việc đầu tiên là phải chọn giống chuẩn. Cây phải chăm sóc đúng quy trình, bón phân và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Đặc biệt là phải luôn giữ cho lớp đất tơi xốp, có như thế thì rễ cây mới khỏe và kháng bệnh tốt. Ngoài ra phải phòng trừ nhện đỏ và rệp. Cách tốt nhất là phun thuốc phòng trước khi nhện đỏ phá hoại.
Theo Xuân Tuấn/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)