Bao nhiêu ngân hàng liên đới trong đại án Phạm Công Danh?

Google News

(Kiến Thức) - Trong đại án Phạm Công Danh, có hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần có dính líu hoặc liên đới tới.

Theo thông tin trên CafeF, trong đại án Phạm Công Danh và những thất thoát nghìn tỷ tại Ngân hàng Xây dựng, đã có hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần có dính líu hoặc liên đới tới vụ án này được nêu trong phiên xét xử sơ thẩm đầu tiên (19/7/2016) như: Agribank, VietABank,VPBank, HDBank, KienLongBank, Eximbank, MBB, VIB, ACB, Vietcombank, BIDV, MBB, LienVietPostBank...
Bao nhieu ngan hang lien doi trong dai an Pham Cong Danh?
 Các bị cáo trong đại án Phạm Công Danh.
Cụ thể, thông tin trên báo Thethaovanhoa.vn cho biết, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), ông Phạm Công Danh, sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh đã mua lại cổ phần của nhóm cổ đông Phú Mỹ và lên nắm quyền kiểm soát, tái cấu trúc Đại Tín khi đang làm ăn thua lỗ (âm vốn 2854 tỷ, lỗ lũy kế trên 6.000 tỷ) và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.
Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), dưới sự điều hành của Phạm Công Danh, VNCB đã bị âm vốn hơn 18.000 tỷ; Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng.
Căn cứ vào chứng cứ vụ án và quá trình xét hỏi tại tòa, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; tổng hình phạt là 30 năm tù giam tính từ ngày 29/7/2014. Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Phạm Công Danh và Công ty Tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường hơn 6.000 tỷ đồng các gốc và lãi cho VNCB.
Được xác định là những người tích cực tham gia họp bàn, tổ chức triển khai thực hiện, giúp sức cho Phạm Công Danh đối với tất cả các hành vi của Danh để rút tiền, hai bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) và Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) phải liên đới chịu trách nhiệm trên 7.000 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại.
Bị cáo Hoàng Đình Quyết (Phó Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang) là người tham gia thực hiện việc rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích tại VNCB trên các ủy nhiệm chi; tham gia thực hiện việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định để rút tiền cho Phạm Công Danh sử dụng như đã nêu trên, gây thiệt hại cho VNCB. Hoàng Đình Quyết phải liên đới chịu trách nhiệm với số tiền là trên 6.000 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Phan Thành Mai 22 năm tù, Mai Hữu Khương 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết 19 năm tù về hai tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Ngoài ra, hội đồng xét xử cũng tuyên phạt 32 bị cáo còn lại về một trong hai tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" hoặc "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mức án thấp nhất là 3 năm tù treo (thời gian thử thách 5 năm) đến cao nhất là 9 năm tù giam.
Sau khi tuyên án ông Phạm Công Danh và đồng phạm vì làm thất thoát 9.000 tỷ đồng, TAND TP HCM công bố quyết định khởi tố vụ án, điều tra trách nhiệm của bà Hứa Thị Phấn (cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín).
Thông tin trên báo Dân trí, HĐXX cho rằng bà Phấn có nhiều hành vi sai phạm dẫn đến nhà băng này bị âm vốn chủ sở hữu lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.600 tỷ. Trước khi bị cáo Danh tiếp quản ngân hàng, bà Phấn được cho là đã sử dụng 29 cá nhân vay tiền có thế chấp hoặc không thế chấp để lấy tiền Ngân hàng Đại Tín mà mình có vốn cổ phần. Đây là hậu quả do nhóm Phú Mỹ mà bà Hứa Thị Phấn làm đại diện gây ra.
Hai ông Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam trong quá trình quản lý và điều hành ngân hàng đã có những sai phạm trong quản lý dẫn đến thiệt hại của ngân hàng Đại Tín trước khi Phạm Công Danh tiếp quản ngân hàng.
Hông Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)