Thông tin giá xăng tiếp tục lập đỉnh mới khiến Anh Thư không biết sẽ còn phải “thắt lưng buộc bụng” đến mức nào.
“Sau dịch, lương của tôi không bị giảm. Tuy nhiên, từ khi quay trở lại văn phòng làm toàn thời gian, tôi bị ‘sốc ngược’ bởi lại phải tốn quá nhiều chi phí. Nếu trước đây mỗi lần đổ xăng chỉ tốn 50.000 đồng, bây giờ đổ 100.000 đồng còn thấy ít, nhưng tôi cũng không dám hô ‘đầy bình’”, Anh Thư nói.
Sống xa nhà, lại ở một mình tại TP.HCM, Anh Thư cho hay “bão giá” ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của cô.
|
Giá xăng tăng kỷ lục tiếp tục khiến một loạt chi phí sinh hoạt khác tăng theo. Ảnh: Nhật Sinh.
|
Mỗi tháng cô đang phải gồng gánh để chi đủ khoản, từ tiền nhà, tiền xăng xe, ăn uống, còn phải có một phần cất vào quỹ tiết kiệm dự phòng và cố gắng gửi một chút về phụ giúp bố mẹ.
Không chỉ mình Thư, đông người trẻ ở thành phố lớn cũng đang đau đầu với bài toán chi tiêu khi sinh hoạt phí đội lên cao dưới tác động của giá xăng, dầu tăng.
Cắt giảm tụ tập, ăn hàng
“Tôi cố định trích ra tiết kiệm 4 triệu đồng/tháng. Từ lúc giá cả tăng, tài chính của tôi trở nên eo hẹp. Sợ lạm chi nên khi nhận lương, tôi lập tức trích khoản đó ra ngay. Khá chật vật để cân đối số tiền còn lại nhưng dù sao có khoản dự phòng tôi vẫn yên tâm hơn”, Thư kể với Zing.
Trước đây, Anh Thư thường đặt đồ ăn trưa bên ngoài hoặc đi ăn cùng đồng nghiệp. Hiện tại, giá đồ ăn lẫn phí ship đều tăng cao nên cô chọn giải pháp tiết kiệm là tự mang đồ ăn trưa.
“Công việc khá bận nên tôi thường đi siêu thị mỗi tuần một lần, mua đồ sống chia từng phần rồi cất vào tủ đông. Tôi thường chỉ nấu vài món đơn giản. Ngày nghỉ, tôi mới nấu cầu kỳ hơn hoặc rủ bạn bè đi ăn một bữa thật ngon”.
Giống với Thư, Huyền Như (25 tuổi, Hà Nội) cũng lập sẵn kế hoạch chi tiêu từ thu nhập cố định hàng tháng, phân bố cho từng khoản tiền nhà, tiền ăn, nhu cầu cá nhân, hiếu hỷ.
"Hiện tại, mình chưa phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm để bù thêm vào chi phí sinh hoạt", Như cho hay.
Song, áp lực chi tiêu không vì thế mà biến mất hoàn toàn.
Với giá xăng vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, mỗi lần đổ xăng hiện giờ Như mất 100.000 đồng mới đầy bình, thay vì 80.000 đồng như trước. Lượng xăng này đi được trong vòng 5 ngày.
Từ người trước đi ăn ở ngoài cả tuần, giờ Như tự chăm nấu nướng tại nhà hơn dù không thích vào bếp. Các buổi tụ tập với bạn bè trước có thể đi tùy hứng, giờ chuyển thành cuối tuần mới gặp mặt nhau ngoài quán.
“Với tình hình giá cả tiếp tục leo thang, bên cạnh việc cần làm là cân đo đong đếm lại mọi khoản, mình nghĩ cũng sẽ phải tìm cách để kiếm thêm thu nhập như nhận thêm job ngoài, nghiên cứu đầu tư để sinh lời”, cô nói thêm.
Điều chỉnh thói quen
"Hơi nản", "khá mệt mỏi" là cảm giác của Nguyễn Phụng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khi được hỏi về giá xăng giảm nhẹ chưa được bao lâu lại tiếp tục cao trở lại. 10 ngày nữa mới đến ngày nhận lương, trong ví Phụng chỉ còn tầm 700.000 đồng để chi tiêu đến cuối tháng.
"Hôm trước, xe mình bị thủng xăm, thay hết 100.000 đồng, bằng tiền ăn một ngày, khá xót vì giờ bớt được đồng nào hay đồng ấy", Phụng kể.
Với mức thu nhập trong khoảng 9-10 triệu/tháng, sau khi trừ các khoản sinh hoạt phí chiếm khoảng ba phần tư, cộng thêm chi tiêu cho bản thân, số tiền còn lại của cô gái 27 tuổi không còn bao nhiêu.
Di chuyển khá nhiều, trung bình cách 2 ngày cô lại đổ xăng một lần. Theo quan sát của Phụng, trước đây cô thường đổ 30.000-40.000 đồng mỗi lần, được nửa bình và đi trong vòng 2-3 ngày. Với cùng số tiền đó, hiện tại cô chỉ đi được hơn 1 ngày.
Cô nói thêm bản thân hiếm khi đổ xăng đầy bình vì “đổ nhiều càng dễ đi thả phanh”.
“Đi chợ, mình thấy đồng loạt các loại thực phẩm khác cũng tăng giá theo từ thứ nhỏ nhất, như một vỉ trứng gà công nghiệp tăng từ 28.000 lên 31.000 đồng, mua một cây bắp cải loại vừa, bình thường chỉ khoảng 10.000 đồng nhưng gần đây mình phải trả với giá gần gấp đôi”.
Phụng cho hay trước kia mỗi lần muốn mua sắm đồ mới, bản thân vẫn cân nhắc xem có nên mua không, nhưng trong 2-3 tháng gần đây, cô càng thắt lưng buộc bụng hơn.
“Giờ, mỗi tháng mình chỉ đặt 1-2 đơn trên sàn thương mại điện tử, cho những món thật sự cần thiết hoặc nằm trong khả năng chi trả. Quần áo cũng ít mua hẳn vì mặc đồng phục đi làm cả tuần”, cô kể.
Tuy nhiên, ở khoản ăn uống, Phụng khó cắt giảm thêm vì đi làm vẫn cần ăn đủ bữa để có sức làm việc.
“Buổi trưa, mình hay ăn ngoài vì không có thời gian nấu ở nhà mang đi. Cách mình đang áp dụng là cắt giảm những buổi cà phê với bạn bè vì mỗi lần đi tốn tiền ngang một bữa ăn”, cô nói.
Sinh hoạt phí gia tăng cũng tác động đến việc duy trì những buổi đi chơi, hẹn hò với người yêu. Từ thói quen lượn phố cùng nhau, giờ cả hai hạn chế đi chơi xa. Việc ăn uống ngoài hàng chuyển sang quán bình dân, tránh ăn những quán đắt tiền hoặc về nhà tự nấu nướng.
Phụng cho biết cô thuộc dạng chi tiêu tùy hứng, không vạch kế hoạch cụ thể.
“Tuy nhiên, có lẽ mình phải sớm thay đổi lại điều này. Những tháng tới, mình dự định học thêm một vài khóa để phục vụ công việc nên cần phải xây dựng lại phương án chi tiêu mới có đủ tiền đóng học phí”.
Đặc thù công việc không bắt buộc phải tới văn phòng, Hoàng Nguyên (26 tuổi, designer tại TP.HCM) cảm thấy tự do. Anh thường chọn các quán cà phê để “cắm chốt” cả ngày.
Tuy nhiên, Nguyên đang phải cân nhắc lại sở thích ngồi cà phê làm việc của mình.
Mỗi ngày, anh thường ra quán làm việc từ trưa đến tối. Ngồi khá lâu nên anh sẽ order ly nước thứ hai hoặc một phần bánh.
“Như vậy, riêng tiền chi ở quán cà phê đã khoảng trên 100.000 đồng/ngày. Chưa kể tôi còn gọi đồ ăn ship từ ngoài để ăn ở quán luôn vì không muốn di chuyển nhiều. Bây giờ nhiều quán đã tăng giá bán trên app, phí ship cũng tăng".
Nếu trước đây ngồi làm ở quán cà phê 5-6 ngày/tuần, bây giờ anh đã giảm số lần ngồi quán xuống còn một nửa.
“Tôi cũng lựa chọn ngồi những quán có giá ‘mềm’ hơn, dù đồ uống không xuất sắc và không gian thường nhỏ hơn”, Nguyên nói.