Mở đầu bài viết, Financial Times viết, sau gần 40 năm, Tập đoàn Tân Hiệp Phát do “vua trà Việt Nam” Trần Quý Thanh (Dr.Thanh) sáng lập đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân sản xuất nước giải khát lớn nhất trong nước.
Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực của con người vốn ham học hỏi và đam mê kinh doanh này.
|
Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quý Thanh. Ảnh FT.
|
Từ cậu bé mồ côi...
Sau khi mẹ qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1962, ông Thanh, khi đó mới 9 tuổi, đã được đưa tới một trại trẻ mồ côi ở miền Nam Việt Nam.
Trong quãng thời gian đó, có những khi ông bị nhốt cả đêm với… lợn vì cãi nhau với bạn bè. Nhưng cũng từ đó, ông chiêm nghiệm ra một điều rằng: “Muốn tồn tại thì phải chiến đấu đến cùng”.
Vào năm 1977, hai năm sau giải phóng Sài Gòn, ông Thanh bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất men. Tuy nhiên, khi nền kinh tế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, tình trạng lạm phát cao khiến giá men sụp đổ vào năm 1979. Sau đó, ông chuyển sang ngành sản xuất đường rồi tiếp đến là vàng,...
“Tôi đã kiếm được rất nhiều tiều. Trong một ngày, tôi có thể kiếm được ba chỉ vàng. Một chỉ có thể mua được một ngôi nhà và khi đó, tôi có thể mua tới ba ngôi nhà một ngày”, ông Thanh nhớ lại.
Vào năm 1992, Chính phủ quyết định sẽ cho phép doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Năm 1995, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, lần đầu tiên mở cửa cho các ngành thương mại quốc tế phổ biến sau 20 năm. Không bỏ lỡ cơ hội đó, người đàn ông sinh năm 1953 đã quyết định thành lập cơ sở sản xuất bia Bến Thành.
... trở thành ông chủ Tân Hiệp Phát
Mặc dù khởi nguồn của Tân Hiệp Phát là sản xuất bia từ năm 1990 nhưng sau 10 năm, công ty này chuyển hướng sang lĩnh vực nước giải khát.
Khi đó, công ty đã trở thành nhà sản xuất đồ uống tư nhân lớn nhất Việt Nam, với khoảng 5.000 nhân viên trên toàn quốc và chỉ nằm dưới thị phần so với công ty sản xuất nước ngọt đa quốc gia như Coca-Cola.
|
Ông chủ Tân Hiệp Phát. Ảnh Bizlive.
|
Theo ước tính của các chuyên gia phân tích thị trường, Tân Hiệp Phát chiếm giữ 20-30% thị phần của thị trường nước giải khát trong nước. Trong năm 2011, theo số liệu mới nhất từ Nielsen, thị phần của công ty bao gồm các sản phẩm như trà thảo dược, nước tăng lực và sữa đậu nành là khoảng 24%.
Những sự kiện đáng nhớ của Tân Hiệp Phát đó là: Năm 2001, ra mắt sản phẩm nước tăng lực mang nhãn hiệu Number. Năm 2006, ra mắt Trà Xanh Không Độ. Năm 2009, tung ra sản phẩm Dr Thanh trên thị trường... Từ đó, Tân Hiệp Phát trở thành cái tên nổi lên trên thị trường nước giải khát tại Việt Nam.
Chiến thuật “tập trung và khác biệt”
Sau sự thành công của Number One, Tân Hiệp Phát tiếp tục gây tiếng vang với sản phẩm trà xanh không độ rồi trà thảo mộc Dr.Thanh.
Ông Thanh lựa chọn chiến thuật “tập trung và khác biệt” với quan niệm "không cung cấp cho thị trường những sản phẩm mình có, chỉ cung cấp những sản phẩm thị trường cần".
“Vua trà Việt Nam” Trần Quý Thanh luôn coi yếu tố quyết định đối với nghiệp kinh doanh là sự hiểu biết về thị trường tiêu dùng trong từng giai đoạn phát triển của xã hội.
Bên cạnh việc điều hành Tân Hiệp Phát, ông Thanh còn đạt được tấm bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Southern California . Mỗi ngày, ông đều dành nhiều tiếng đồng hồ để đọc sách, nâng cao kiến thức và sự hiểu biết.
Theo ông Thanh, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, ông luôn giữ quan điểm, chiến đấu đến cùng để tồn tại và khẳng định: “Chúng tôi sẽ cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài”.
Sau nhiều thập kỷ chiến đấu để tồn tại trong một trong những môi trường khắc nghiệt nhất đối với doanh nghiệp tư nhân, ông Thanh chia sẻ rằng, những thách thức đến từ Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những thách thức mà ông đã chuẩn bị đón nhận trong suốt cả cuộc đời.