Chỉ cần 2 nhà đầu tư, 53,59% cổ phần của Sabeco với tổng giá trị giao dịch là 109.000 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỉ USD, đã được "vét" sạch, trong đó Vietnam Beverage mua 343,6 triệu cổ phần; 20.000 cổ phần còn lại thuộc về ông Ngô Vinh Hiển (Hà Nội).
Vietnam Beverage là công ty mới thành lập tại Việt Nam và được nắm giữ gián tiếp 49% vốn bởi BeerCo Ltd - doanh nghiệp bia do ThaiBev sở hữu 100% có trụ sở ở Hồng Kông, thuộc sở hữu của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi.
Như vậy, tỉ lệ cổ phần Sabeco do Bộ Công Thương (bộ chủ quản đại diện phần vốn nhà nước) sở hữu là 36%.
Sau một phiên giao dịch cực lớn và thành công như thế, "phía ta" thu về xấp xỉ 110.000 tỉ đồng nhưng không hẳn ai cũng vui. Mất quyền kiểm soát tại một tổng công ty lớn, kinh doanh hiệu quả như Sabeco là chuyện hẳn nhiên và tức thì; còn một sự mất mát lớn hơn, ngấm ngầm và dai dẳng, đó là một thương hiệu quốc gia đã vuột khỏi tầm tay. Nghĩ về điều này, chắc hẳn ai cũng cảm thấy mất mát và tiếc nuối.
Chưa biết cái tên Sabeco rồi đây có còn giữ được hay chăng, hình hài doanh nghiệp sẽ ra sao, phong vị các loại đồ uống Sabeco có còn mang hồn cốt Việt nữa không, liệu nhãn bia trứ danh này sẽ tốt hơn và kinh doanh hiệu quả hơn nhờ cách quản trị, điều hành mới như kỳ vọng…, nhưng kiểu gì đi nữa cũng buồn khi tự hỏi: thương hiệu quốc gia còn lại gì? Những doanh nghiệp tầm trung bị thôn tính sau mua bán - sáp nhập (M&A) đã đành, những thương hiệu lớn cũng lần lượt rơi vào tay nước ngoài và làn sóng này chưa có dấu hiệu dừng lại, rất đáng lo.
Có phải do chúng ta yếu hay do người ta mạnh? Chỉ cần biết tổng tài sản ròng của tỉ phú Charoen chỉ khoảng 19 tỉ USD thôi, thì có câu trả lời.
Người ta không quá mạnh, chúng ta chưa hẳn yếu mà do chúng ta tự làm yếu mình đi. Thị trường tiêu dùng trong nước rất lớn và ngày càng tăng trưởng nhưng hầu hết các lĩnh vực thuộc thị trường này (thực phẩm, nước uống, bánh kẹo, hàng tiêu dùng nhanh…) đã rơi vào tay người Thái. Trong khi đó, xuất khẩu ngày càng khó khăn và tăng trưởng kinh tế không thể chỉ dựa vào đây. Nên nhớ, Thái Lan là đối thủ của Việt Nam về hàng tiêu dùng, khi lĩnh vực này bị thống trị bởi tỉ phú người Thái gốc Hoa thì hàng Thái và hàng Trung Quốc càng dễ dàng đánh bật hàng Việt ngay trên "sân nhà" Việt Nam. Họ đã mua Metro, BigC, Phú Thái Group, Sabeco và đang tăng mua cổ phần một thương hiệu sữa lớn, chúng ta nhìn vào đó và phải biết giật mình.
Mấy tỉ USD thu về hôm nay nhưng thiệt hại ngày mai có thể lớn hơn thế gấp nhiều lần. Và qua đây còn nhìn thấy một chuyện buồn nữa đã, đang và sẽ xảy ra trong nền kinh tế chúng ta, đó là tư duy thời vụ. Doanh nghiệp khởi sự làm ăn thì nhiều nhưng mấy ai tính đường dài? Khi có tên tuổi một chút thì bán mình, đút túi một khoản lợi rồi chẳng còn gì, thậm chí quay sang làm thuê cho nước ngoài. Kiểu làm ăn đầu cơ, đánh quả như vậy lan rộng thì dễ hiểu vì sao thương hiệu quốc tế chúng ta tìm đỏ mắt không có, thương hiệu quốc gia thì mờ nhạt dần.
Ấy phải chăng là bởi thiếu vắng tinh thần dân tộc?