Trong ngày giao dịch cuối tuần, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức ở mức 23.972 VND/USD. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.170 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.773 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng bạc xanh được niêm yết tại BIDV ở mức 24.140 - 24.440 VND/USD (mua vào - bán ra). Cả tuần, đồng bạc xanh giảm 20 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra.
Trong khi đó, giá đồng USD được tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.090 - 24.460 VND/USD (mua vào - bán ra). Tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này giảm 30 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra.
|
Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo giới phân tích, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 và lạm phát Mỹ thấp hơn dự báo khiến giá trị đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế đảo chiều giảm mạnh, đã góp phần giảm áp lực lên tỷ giá. Áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế và không cần thiết phải sử dụng công cụ tín phiếu để hỗ trợ tiền Đồng.
Thực tế, lãi suất VND liên ngân hàng giảm sâu khiến chênh lệch lãi suất USD - VND tiệm cận trở lại mức cao kỷ lục hồi quý III/2023, tuy nhiên tỷ giá lại liên tục lao dốc trong nửa đầu tháng 11.
Một chuyên gia trong mảng nguồn vốn và trái phiếu tại các ngân hàng cho rằng, công cụ can thiệp bằng tín phiếu có chi phí của nó, ở cả 3 khía cạnh: chi phí thực thi (tăng chi phí điều hành), lượng thanh khoản và vốn khả dụng của các ngân hàng và giá - ở đây là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Chính vì vậy, NHNN chỉ sử dụng công cụ tín phiếu khi thực sự cần thiết và là một trong những lựa chọn khả thi (ở đây mục tiêu là ổn định tỷ giá).
Theo vị chuyên gia này, việc áp lực mất giá của VND tăng mạnh thời gian trước chủ yếu do cung - cầu USD ngắn hạn và USD trên thị trường quốc tế mạnh lên; và chênh lệch lãi suất USD - VND không phải là yếu tố quyết định hay yếu tố nguyên nhân, nhưng nó có thể là yếu tố cộng hưởng làm tăng áp lực lên tỷ giá.
"Khi áp lực gia tăng thì chênh lệch lãi suất - vốn tồn tại một thời gian dài trước đây - trở thành một yếu tố cộng hưởng, tác động làm căng thẳng thêm tình hình. Do vậy, việc phát hành tín phiếu là một trong những cách cùng tác động nhằm ổn định lại tỷ giá. Hiện, áp lực lên tỷ giá giảm do xu hướng USD quốc tế, đi cùng nguồn cung ngoại tệ có phần dồi dào hơn. Tỷ giá liên ngân hàng giảm khá mạnh xuống vùng 24.3xx, nên NHNN ngưng phát hành tín phiếu", vị này cho biết.
Vassili Serebrikov, chiến lược gia ngoại hối tại UBS dự đoán Fed sẽ nới lỏng nhanh hơn so với những gì thị trường đang định giá, có thể là vào quý đầu tiên năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn một số lý do khiến USD sẽ không suy yếu nhanh chóng, như là bức tranh tăng trưởng khu vực ngoài nước Mỹ vẫn còn khá yếu.
Theo Công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch vẫn tự tin rằng lãi suất sẽ không tăng cao hơn, khi các hợp đồng tương lai hiện đang định giá tỷ lệ 1/3 cho lần giảm đầu tiên vào tháng 3.
Karl Schamotta, chiến lược gia trưởng tại Corpay, cho biết trong khi các thị trường dự đoán Fed sẽ nhanh chóng chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất vào năm 2024, thì về mặt lịch sử, để điều đó xảy ra thì phải có một cú hích lớn đối với nền kinh tế. Thách thức ở đây là làm thế nào có thể dung hòa quan điểm "hạ cánh" mềm với việc cắt giảm lãi suất nhanh chóng và đáng kể vào năm 2024. Hiện thị trường đang chuyển động quá nhanh và kết quả là USD có thể hoạt động tốt hơn so với kỳ vọng vào đầu năm 2024.
John Doyle, chuyên gia giao dịch tại Monex USA cho rằng USD sẽ tiếp tục suy yếu đến cuối năm nay, thậm chí có thể là tới đầu tháng 1. Đồng tiền này cũng chuẩn bị cho đợt giảm giá lớn nhất kể từ tháng 11/2022 so với đồng euro và bảng Anh.
Dữ liệu này được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường khi nhiều nhà phân tích dự đoán việc tăng lãi suất của Fed đã lên đến đỉnh điểm.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Dự báo Thống kê, NHNN Nguyễn Phi Lân mới đây cho biết, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.