Có điều lạ là những vườn cau quả già thương lái lại chẳng thèm “ngó mắt” đến, mà họ chỉ tập trung thu mua cau non.
|
Lò sấy cau của ông Cư hoạt động hết công suất. |
Sau khi có tình trạng mua cau non tại một số tỉnh ĐBSCL (NNVN đã phản ánh), thì tại Bình Định thương lái cũng đổ xô thu mua mặt hàng này. Trên địa bàn Bình Định, không huyện nào có nhiều cau như An Lão. Cau được trồng chủ yếu trong vườn nhà. Mặc dù chưa có con số thống kê diện tích đông đặc, nhưng theo ngành chức năng, có khoảng 60 ha.
Theo người dân địa phương, mới chỉ cách đây 2 năm, giá cau quả rất bèo bọt, có lúc hạ thấp chỉ còn 1.000đ/kg. Có thời điểm cau đầy vườn mà chẳng thấy bóng thương lái nào đến mua, cau chín rụng tràn lan nhà vườn cũng để mặc. Thế nhưng năm nay giá cau bỗng tăng cao bất ngờ.
“Mọi năm chẳng có ai mua cau, giá cả sáng nắng chiều mưa, năm được năm không, nhiều nhà vườn nản quá chặt bỏ dần cây cau lấy đất trồng chuối. Thế nhưng từ đầu năm 2017 đến nay giá cau tăng liên tục, hiện đứng ở mức cao chưa từng thấy với hơn 20.000 đồng/kg”, ông Hồ Văn Nghi (67 tuổi) ở xã An Hòa (An Lão), cho hay.
|
Nhân công các lò sấy đang sơ chế cau. |
Bà Nguyễn Thị Hà (44 tuổi), cho biết thêm: “Năm nay giá cau tăng cao bất ngờ nhờ có nhiều thương lái đi lùng mua, chủ yếu họ mua cau non về sấy, rồi bán sang Trung Quốc. Lý do vì sao họ chuộng mua cau non thì chúng tôi không rõ lắm. Giá cau năm nay có lúc lên đến 26.000 đồng/kg, mà được thu mua tận vườn, công hái cau thương lái chịu. Nhà tui có 10 cây cau, năm nay nhờ giá cao nên bán cũng kiếm được vài triệu đồng”.
Tìm hiểu tại các lò sấy cau ở An Lão, chúng tôi được biết hiện nay, thị trường Trung Quốc đang “ăn” mạnh mặt hàng cau non nên thương lái chỉ lùng mua toàn loại cau này. Theo chủ lò sấy cau Lê Văn Cư, do hút hàng đi Trung Quốc nên giá cau non nội địa tăng. Cũng là cau, nhưng cau già quả đã có hạt to thì thương lái “lắc đầu”, bởi thị trường Trung Quốc không ăn.
“Sau khi thu mua về, tui lựa cau non đủ chất lượng, loại cau có hạt nhỏ hoặc không có hạt, sấy khô rồi chuyển sang thị trường Trung Quốc làm kẹo. Cứ 3 – 4 tấn cau tươi sau khi luộc, sấy sẽ thu lại được 1 tấn cau khô.
Kẹo cau có công dụng chống viêm họng nên rất được dân xứ lạnh ưa chuộng. Tui bán trực tiếp cho người Trung Quốc, mọi giao dịch mua bán thông qua phiên dịch hẳn hoi. Mối này tui làm ăn đã lâu, phải có đến 10 năm nay, nên chuyện mua bán rất sòng phẳng”, ông Cư chia sẻ.
|
Năm nay cau tăng giá, người trồng cau ở An Lão rất phấn khởi. |
Cũng theo ông Cư, thương lái Trung Quốc đặt cọc tiền trước, sau đó ông Cư vận chuyển cau đã sơ chế (sấy) qua đường tiểu ngạch. Để có hàng kịp cung ứng, gia đình ông Cư phải thuê xe cùng nhân công vào tận Bến Tre để thu mua thêm.
“Bình quân, mỗi năm cơ sở của tui nhập vào 250 tấn cau, sau khi sấy khô bán với giá 120.000 đồng/kg. Do giá cau tăng mạnh, năm nay tui phải thuê thêm nhân công đến gần 20 người để làm cho kịp hàng, lúc cao điểm cơ sở của tui có đến 30 nhân công làm việc thì mới kịp”, ông Cư cho biết thêm.
Trước đây, trên địa bàn huyện An Lão đã hình thành khoảng 10 cơ sở sơ chế và sấy cau, hàng năm các cơ sở này xuất sang thị trường Trung Quốc và Thái Lan khoảng 150 tấn cau đã qua sơ chế.
Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão cho biết: “An Lão là địa phương có diện tích trồng cau lớn, từ trước đến nay người dân đã có truyền thống trồng cau để ăn trầu, đặc biệt là ở đồng bào vùng cao. Nhất là tại xã An Vinh, đồng bào Hre trồng đến khoảng 70 ngàn cây trên đất vườn đồi, vườn rừng.
Tuy mức giá năm nay tăng đột biến nhưng chúng tôi khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt, nếu phát triển mạnh cây này thì rủi ro về thị trường là rất cao”.