ALCII phá sản, khoản nợ 1.010 tỷ đồng từ Quỹ BHXH ai trả?

Google News

Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) đã bị Toà án TP.HCM tuyên phá sản. Điều dư luận quan tâm là ai sẽ trả khoản nợ 1.010 tỷ đồng vay từ Quỹ BHXH của BHXH Việt Nam?

ALCII pha san, khoan no 1.010 ty dong tu Quy BHXH ai tra?
 Ông Lê Bạch Hồng vừa bị bắt do liên quan đến vụ việc Công ty Cho thuê tài chính II của Ngân hàng Agribank.
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an (C03) đang điều tra mở vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại BHXH Việt Nam, Công ty ALCII và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 72/C46-P13 ngày 26/12/2017.
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và chứng cứ thu thập được, ngày 09/11/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra các Quyết định tố tụng: Quyết định Khởi tố bị can số 204/C03-P14; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 60/C03-P14; Lệnh khám xét số 94/C03-P14 đối với Lê Bạch Hồng, nguyên Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Quyết định Khởi tố bị can số 205/C03-P14; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 61/C03-P14; Lệnh khám xét số 95/C03-P14 đối với Nguyễn Huy Ban, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Quyết định Khởi tố bị can số 202/C03-P14; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 58/C03-P14; Lệnh khám xét số 92/C03-P14 đối với Trần Tiến Vỹ, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Quyết định Khởi tố bị can số 203/C03-P14; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 59/C03-P14; Lệnh khám xét số 93/C03-P14 đối với Hoàng Hà, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo thông tin Nhadautu.vn có được, trước khi cho ALCII vay vốn, Tổng giám đốc của BHXH Việt Nam là ông Nguyễn Huy Ban khi còn đương nhiệm đã ký với Agribank thỏa thuận số 01, trong đó có nội dung: “Từ 1/1/2004, Tổng giám đốc Agribank bảo lãnh cho các chi nhánh cấp I, các Cty trực thuộc được trực tiếp vay vốn của BHXH Việt Nam theo ba nội dung số tiền vay, thời hạn vay và lãi suất tiền vay. Trên cơ sở văn bản thỏa thuận, các chi nhánh cấp I của Agribank được vay vốn của BHXH Việt Nam từ năm 2004”.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các khoản vay, cùng với các cam kết trong bản thoả thuận, BHXH Việt Nam còn yêu cầu Agribank phải có Thư bảo lãnh cho từng chi nhánh và Cty trực thuộc xin vay vốn của BHXH Việt Nam.
Theo yêu cầu của BHXH Việt Nam, đầu năm 2008, Agribank bảo lãnh cho ALCII vay vốn của BHXH Việt Nam. Cụ thể là thư bảo lãnh thanh toán số 800/NHNo-KHTH ngày 13/3/2008 với hạn mức bảo lãnh 500 tỷ đồng; thư bảo lãnh thanh toán số 1441/NHNo-KHTH ngày 22/4/2008 với hạn mức bảo lãnh 800 tỷ đồng.
Trong thư bảo lãnh đã nêu rõ “Agribank chịu trách nhiệm toàn bộ về việc vay, sử dụng và hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn của tất cả các hợp đồng do Agribank trực tiếp đi vay hoặc các chi nhánh cấp I, các Cty trực thuộc vay vốn của BHXN Việt Nam do Tổng giám đốc Agribank ký bảo lãnh”.
Căn cứ bản thỏa thuận số 01 và các thư bảo lãnh nói trên, từ 4/4/2008 đến 31/12/2008, ông Nguyễn Huy Ban đã ký 11 hợp đồng cho ALCII vay với tổng số tiền 630 tỷ đồng.
Ngày 22/10/2008, Tổng giám đốc Agribank phát hành thư bảo lãnh số 4407 với nội dung bảo lãnh cho ALCII vay 400 tỷ đồng. Trong thư này cũng có thêm nội dung hủy 2 thư bảo lãnh số 800 và số 1441.
Khi đó, nguyên Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Huy Ban không biết có thư bảo lãnh số 4407 (do bộ phận đầu tư quỹ không trình), vì vậy tiếp tục ký thêm 3 hợp đồng nữa với số tiền 150 tỷ đồng (tổng cộng nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Huy Ban ký 11 hợp đồng với số tiền 630 tỷ đồng).
Sau đó, đến thời kỳ ông Lê Bạch Hồng làm Tổng giám đốc, vì không biết có thư bảo lãnh thứ 3 (do bị thất lạc) nên tiếp tục cho vay thêm 380 tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền BHXH Việt Nam cho ALCII vay là 1.010 tỷ đồng.
Cần nói thêm là, trước thời điểm Agribank có thư bảo lãnh số 4407, thì BHXH Việt Nam đã cho ALCII vay 480 tỷ đồng.
Việc Agribank phát hành thư bảo lãnh thứ 3 là 400 tỷ đồng thấp hơn số tiền ALCII đã vay là 480 tỷ đồng và huỷ 2 thư bảo lãnh 1.300 tỷ đồng mà không trao đổi, thoả thuận với BHXH Việt Nam trước khi phát hành thư bảo lãnh là không đúng với quy định của pháp luật. Vì vậy, Agribank phải có trách nhiệm trả nợ thay cho ALCII.
Sau khi vụ việc tiêu cực tại ALCII được phanh phui, cơ quan điều tra vào cuộc và đã làm việc với các bên liên quan.
Ngày 14/9/2012, Agribank đã có văn bản số 6301/NHNo-KHTH, cam đoan sẽ có trách nhiệm trả nợ các khoản vay của ALCII. Sau đó, Agribank đã trả được 200 tỷ đồng, nhưng vì đang trong quá trình tái cấu trúc nên chưa thu xếp được vốn để trả nợ tiếp. Số tiền nợ còn lại, không thể mất được mà chỉ chậm trả.
Tại thời điểm năm 2012, lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định: Hiện, có hai khoản ALCII đang nợ là gốc (787,5 tỷ đồng) và lãi (264,5 tỷ đồng).
Theo Báo cáo tài chính bán niên của Agribank, tại thời điểm 30/6/2018, ngân hàng có 6 công ty con với mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau phán quyết của Tòa án nhân dân TP.HCM buộc phá sản ALCII, và làm thủ tục bán ALCI, Agribank sẽ chỉ còn 4 công ty con.
Tháng 10/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động Công ty ALCII của Agribank.
Trước đó, Công ty ALCII của Agribank bị buộc phá sản theo phán quyết của Toà án nhân dân TP.HCM (ngày 15/12/2016) sau khi xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty này, Tổng giám đốc ALCII là một trong 2 bị cáo lĩnh án tử hình.
Về khoản vay giữa ALCII và BHXH Việt Nam, năm 2012, khi kết thúc thanh tra tại BHXH Việt Nam, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc lãnh đạo BHXH Việt Nam cho Cty Cho thuê tài chính II – Ngân hàng Agribank vay hơn 1.010 tỷ đồng là sai quy định, đến thời điểm 31/12/2011, Cty ALCII còn nợ 787,5 tỷ đồng tiền gốc (trong đó nợ quá hạn 357,5 tỷ đồng) và 264,5 tỷ đồng tiền lãi, hiện không có khả năng thanh toán.
Qua vụ việc, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, là phải thường xuyên chú trọng xây dựng và trình Hội đồng Quản lý các phương án đầu tư quỹ theo hướng tập trung cho ngân sách Nhà nước vay và giảm tỷ trọng cho các ngân hàng thương mại vay.
Cùng đó, cơ cấu lại đầu tư dài hạn, trung hạn và ngắn hạn một cách hợp lý để đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, trình Hội đồng Quản lý thành lập và tăng cường củng cố bộ phận chuyên trách quản lý đầu tư quỹ BHXH, BHYT.
"Hiện, công tác quản lý đầu tư quỹ đã có đủ văn bản hướng dẫn nên việc thực hiện bảo đảm sự chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật", vị lãnh đạo nói.
Sau khi nguyên hai Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - ông Lê Bạch Hồng và ông Nguyễn Huy Ban bị bắt, BHXH Việt Nam đã lên tiếng cho biết, vụ việc xảy ra cách đây 10 năm và đã có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; các tập thể, cá nhân có liên quan đã bị xử lý kỷ luật theo quy định. Các cơ quan chức năng hiện đang tập trung giải quyết vụ việc và thu hồi tài sản cho Nhà nước. BHXH Việt Nam sẽ thông tin đầy đủ tới các cơ quan thông tấn báo chí khi có kết quả giải quyết vụ việc từ cơ quan có thẩm quyền.
Theo BHXH Việt Nam, trong suốt thời gian qua Quỹ BHXH luôn được quản lý tốt dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ; được thanh tra, kiểm toán định kỳ theo quy định của pháp luật. "BHXH Việt Nam khẳng định trong mọi trường hợp quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT luôn được đảm bảo theo quy đinh của pháp luật", văn bản của BHXH Việt Nam nêu.
Theo Phong Cầm/Nhà Đầu Tư

>> xem thêm

Bình luận(0)