Để có được thu nhập đáng mơ ước, anh Nguyễn Việt Anh từng bị coi là “gàn dở”, “bị điên” khi có quyết định rời khỏi ngành công an, trở về quê ở xã EaTul, chuyện Cư M’gar, Đăk Lăk để về phụ ba làm nước súc miệng cai thuốc lá.
Ba mẹ luôn tin tưởng và ủng hộ mọi quyết định của anh nên anh không nhận bất cứ phản đối nào. Tuy nhiên, họ hàng và đồng nghiệp, bạn bè lại kêu anh gàn dở, bị điên khi xin nghỉ một công việc nhà nước bao người mơ ước.
Trong thời gian phụ ba kinh doanh, anh vẫn dành thời gian để chăm sóc những gốc hồng mà anh tặng mẹ vào các dịp sinh nhật, ngày lễ 8/3, 20/10. “Vì mẹ tôi thích hoa hồng nên tôi thường mua tặng mẹ. Sau một thời gian, nhà tôi đã có một vườn hồng nhỏ, nở hoa nhiều. Ai nấy đi qua đều khen và có ý định hỏi mua”, anh cho hay.
Anh bắt đầu nảy ra ý định kinh doanh riêng nhưng vẫn phụ giúp ba trong công ty của gia đình.
Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, anh dành khá nhiều thời gian trong việc đi đến các vườn hồng lớn tại các tỉnh thành để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi nắm được một số kiến thức, anh trở về nhà bán chiếc ô tô riêng và vay mượn được hơn 800 triệu đồng để đầu tư trồng hồng.
Đến giữa năm 2018, khoảng 300 cây hồng giống ở miền Bắc đầu tiên được nhập về và trồng trên mảnh đất đi thuê rộng 3.000m2. Vận dụng những kiến thức được học tại các chủ vườn, anh làm theo đúng quy trình. Tuy nhiên, anh vẫn thất bại, nhiều cây hoa nở ra rất nhỏ, ít cánh, màu nhạt, cây còn bị nấm bệnh chết hàng loạt bởi thời tiết ở Đăk Lăk không giống miền Bắc, mưa nắng kéo dài.
Lần đầu thất bại, anh thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Anh lại tiếp tục đi học hỏi kinh nghiệm, bí quyết trồng hồng tại các hội nhóm. Lần này, anh học cách tự ủ phân hữu cơ bón cho cây và chăm cây từ sáng sớm cho đến tối muộn.
Suốt nhiều tháng ròng rã chăm cây, anh gầy đen đi trông thấy. “Tôi sụt mất 5kg trong mấy tháng này”, anh cười nói. Sự cố gắng cũng được đền đáp, những cây hồng xanh tươi, nở hoa to đẹp.
Khi vấn đề chăm sóc cây hồng tương đối được giải quyết, đầu ra của những gốc hồng này lại “kẹt”. Bởi khu vườn nằm ở nơi ít người qua lại nên không bán được.
“Thời gian đầu, tôi toàn lỗ, phải bỏ tiền túi trả cho nhân công, trang trải điện nước và phân, thuốc. Tôi quyết định ra thuê mặt bằng mới, nơi nhiều người qua lại, khách hàng đến mua nhiều và có nhiều đơn hàng lớn. Thời gian này khiến tôi nhớ nhất vì khi đó tôi mới thấy có khởi sắc hơn”, anh cho hay.
Hiện, vườn hồng của anh cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột gần 7km. Hơn hai năm gây dựng, vườn của anh đã có 300 giống hoa với hơn 10.000 gốc, gồm cả hồng nội và hồng ngoại. Giá bán mỗi gốc hồng dao động từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm triệu đồng. Gốc hồng có tuổi đời càng cao thì giá càng lớn.
Ngoài việc bán cây hồng, anh còn triển khai thêm tour tham gia trải nghiệm tại vườn trên diện tích 18.000m2 vào đầu năm nay.
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Đăk Lăk, có tháng cao điểm khu vườn này mang lại doanh thu 400 triệu một tháng, tạo việc làm cho 10-15 lao động thường xuyên.
Nhưng từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh hầu như không buôn bán được gì vì phải đóng cửa giãn cách xã hội. Anh phải vay mượn để trang trải trả tiền cho 5 nhân công lao động tại vườn và các chi phí khác.
Anh cho biết bản thân mong dịch Covid-19 mau hết, mọi thứ trở lại bình thường để anh có thể viết tiếp ước mơ của mình. Đó là nhập thêm nhiều cây để biến trang trại thành vườn hồng lớn nhất Tây Nguyên.