Đặt ra giới hạn chi tiêu
Điều này nghe có vẻ lý thuyết nhưng nó quả thực giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền. Bạn cần xem xét thu nhập của mình và đặt ra các giới hạn chi tiêu của bản thân. Ví dụ, bạn có thể tuân thủ theo phương pháp tài chính 50-30-20. Nghĩa là dành 50% thu nhập để chi trả cho những việc thiết yếu (tiền nhà, ăn uống...), 30% cho các nhu cầu cá nhân (mua sắm, giải trí...), 20% cho tiết kiệm.
Tránh vay tiền
Vay tiền luôn được xem là một phần hết sức bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, việc bạn đi mượn tiền và trả lãi chỉ khiến bạn nghèo đi. Hãy đặt ra giới hạn chi tiêu và tuân thủ đúng những gì mình đã đặt ra.
Chỉ vay tiền trong trường hợp không thể tránh được như bạn buộc phải vay tiền để tồn tại hoặc khoản vay giúp bạn sinh lời nhiều hơn số lãi mà bạn phải trả.
Sử dụng tiền mặt
Trong thời buổi công nghệ 4.0, sự xuất hiện của các loại thẻ thanh toán, ứng dụng thanh toán khiến việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn nhưng nó cũng là nguyên nhân khiến bạn khó kiểm soát việc chi tiêu của bản thân và dễ vung tiền quá trán. Việc tiêu tiền mặt khiến bạn có thể dễ dàng kiểm soát chi tiêu của mình.
Quy tắc 24 giờ
Hãy áp dụng quy tắc 24h giờ khi muốn mua một món đồ đắt tiền nào đó. Trong khoảng thời gian đó, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ, cân nhắc xem món đồ có thật sự cẩn thiết với bản thân hay không.
Đa số những người không có tiền hay rơi vào tình trạng mua sắm bốc đồng. Những người có tiền lại có xu hướng tính toán kỹ việc mua sắm và chỉ mua những món đồ thật sự cần thiết.
Đôi khi bạn cảm thấy một món đồ trở nên hấp dẫn vì nó đang được quảng cáo nhiều trên mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử với mức giá hấp dẫn chứ bản thân không thực sự cần và sẽ sử dụng đến nó. Vì vậy, hãy dành một ngày để suy nghĩ thật kỹ. Nếu sau đó bạn vẫn cảm thấy muốn mua món đồ đó thì mới chi tiền. Nếu không thì đừng phung phí tiền bạc.
Đặt ra những ngày không chi tiêu
Đây là cách giúp bạn tiếp kiệm nhiều tiền hơn. Trong tháng, hãy đặt ra những ngày không chi tiêu, không mua sắm bất cứ thứ gì, ngoại trừ những món đồ thiết yếu.
Đừng quên lấy lại tiền lẻ
Nhiều người có thói quen không lấy lại tiền thừa khi mua sắm vì cho rằng con số quá ít ỏi. Tuy nhiên, tích tiểu thành đại, bạn có thể tích cóp số tiền lẻ đó thành một khoản riêng và chi tiêu cho những nhu cầu nhỏ như bánh kẹo, cà phê. Từ lần sau, khi đi mua sắm, đừng quên lấy lại tiền lẻ nhé.
Sửa chữa đồ hỏng trước khi vứt bỏ
Trước khi vứt bỏ một món đồ hỏng, bạn hãy thử cân nhắc tới việc sửa chữa chúng. Điều này có thể tiết kiệm hơn với việc mua mới, giúp bạn tránh được một khoản chi phí phát sinh lớn và có thể dùng số chênh lệch để đầu tư vào việc khác hoặc tiết kiệm.
Hãy giàu thực sự chứ đừng chỉ trông giống người giàu
Stacy Johnson, nhà sáng lập website thông tin tài chính cá nhân Money Talks News, người có 40 năm kinh nghiệm tư vấn tài chính và là một triệu phú chia sẻ rằng khi làm tại Wall Street ông thấy những người có cả đống tiền thường xuyên trông không giống người nhiều tiền. Những kẻ mặc vest bóng bẩy, đi xe xịn thường là những người kiếm tiền nhờ bán đồ cho người giàu.
Bản thân ông cũng không nhớ lần cuối mình mặc một bộ vest xịn là bao giờ. Ông cũng không mua xe mới và vẫn sống trong căn nhà có giá chỉ bằng 1/3 khả năng bản thân có thể tri trả.
Ông cho rằng, tiêu tiền vào những thứ như xe hơi, quần áo, nhà cửa, kỳ nghĩ sẽ giúp bạn giàu có ở thời điểm hiện tại nhưng là rào cản cho sự giàu có thực sự trong tương lai.