Để trở thành triệu phú không những cần bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy mà còn cần thay đổi cách hành xử.
Trong cuốn sách “Top 10 khác biệt giữa triệu phú và tầng lớp trung lưu”, Keith Cameron Smith đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của ông trong suốt 2 năm làm việc và nghiên cứu về những người giàu có, bao gồm hành động và thái độ phân biệt họ với người bình thường.
Dưới đây là 4 cách để bắt đầu hành động như một triệu phú, bất kể tài khoản ngân hàng của bạn có bao nhiêu tiền.
Các triệu phú nói về những ý tưởng, không phải sự vật
Người giàu có không hứng thú với một chiếc xe hơi, một bộ phim hay một con người cụ thể nào đó. Họ có xu hướng tập trung vào những ý tưởng lớn cho tương lai hơn là các chi tiết vụn vặt đang xảy ra trong hiện tại.“Các triệu phú là những người sáng tạo. Họ dành thời gian suy nghĩ về những ý tưởng mới”, Smith nói.
|
Jeff Bezos, người sáng lập và CEO của Amazon, đã làm thay đổi ngành thương mại điện tử với các ý tưởng đột phá. Ảnh: GeekWire. |
Trong khi những người trung lưu nói về ô tô và phim ảnh, các triệu phú sở hữu công ty ô tô và sản xuất các bộ phim. Họ hiểu rằng "những ý tưởng là tài sản có giá trị nhất trên thế giới".
“Để thành công hơn, bạn phải không ngừng mở rộng tâm trí của mình", Smith viết. “Trong một thế giới mà mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng, sẽ là khôn ngoan nếu bạn dành thời gian suy nghĩ về những cách làm việc mới", ông đưa ra lời khuyên.
Các triệu phú chấp nhận rủi ro trong tính toán
Trong khi những người ở tầng lớp trung lưu thường cảm thấy hài lòng khi ở trong vùng an toàn của mình, các triệu phú thường cố gắng tạo đột phá. Nói cách khác, tầng lớp trung lưu quá sợ rủi ro trong khi các triệu phú biết khi nào cần mạo hiểm.
Đó là vì “các triệu phú vượt qua nỗi sợ hãi còn tầng lớp trung lưu khuất phục trước nó”, Smith giải thích.“Các triệu phú vượt qua nỗi sợ bằng tri thức. Họ tự học hỏi trước khi chấp nhận rủi ro và sau đó họ xem xét hậu quả của việc thất bại”, ông nhấn mạnh.
Họ tính toán mức độ rủi ro so với phần thưởng nhận được. “Nếu bạn có thể chấp nhận điều tồi tệ có thể xảy ra và nếu điều có khả năng xảy ra nhất sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới mục tiêu thì hãy hành động!”, Smith viết.
Các triệu phú là người hào phóng
Trong khi tầng lớp trung lưu thường tin rằng họ không đủ khả năng để cho đi, người giàu nhận thấy sự hào phóng là cần thiết.
“Hầu hết triệu phú tin vào luật nhân quả. Họ coi tiền như hạt giống. Các triệu phú biết rằng nếu hào phóng, họ sẽ nhận lại nhiều hơn”, Smith nhận xét.
Rất nhiều triệu phú và tỷ phú đã trở thành những nhà từ thiện. Năm 2010, Warren Buffett và Bill Gates đã hợp tác để thành lập The Giving Pledge, một nỗ lực nhằm khuyến khích giới siêu giàu hiến tặng phần lớn tài sản để làm từ thiện. Hơn 150 tỷ phú đã ký cam kết, bao gồm Mark Zuckerberg, Richard Branson và Elon Musk.
“Không phải tất cả triệu phú đều hào phóng nhưng những người hạnh phúc sẽ như vậy!”, Smith viết.
Các triệu phú nuôi dưỡng nhiều nguồn thu nhập
Bạn càng có nhiều nguồn thu, bạn càng có khả năng thu hoạch lớn. Smith đưa ra ví dụ về một ngư dân với một mảnh lưới với ngư dân có 5 mảnh lưới. Ai sẽ bắt được nhiều cá hơn?
Phát triển nhiều nguồn thu nhập có nghĩa là từ bỏ tư duy thường kìm hãm tầng lớp trung lưu. Đó là suy nghĩ bạn phải làm tất cả mọi thứ một mình. Theo Smith, điều này “bó hẹp tiềm năng tài chính của bạn”.
“Các triệu phú có quan niệm khác. Họ tin rằng có thể tìm được ai đó làm thay họ với kết quả không những bằng mà còn tốt hơn họ”, Smith viết.
Smith nhấn mạnh rằng việc tạo ra nguồn thu nhập thụ động là rất quan trọng để gây dựng sự giàu có. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải đầu tư nhiều công sức ban đầu nhưng sau đó sẽ để người có năng lực hơn tiếp quản để chuyển sang các dự án tiếp theo. Đừng cố gắng phụ trách mọi thứ, làm vậy chỉ khiến bạn kiệt sức.
Các triệu phú tập trung vào những khía cạnh bao quát dự án mà không bị sa lầy vào chi tiết. Điều này khác với tư duy phải tự làm mọi thứ của những người thuộc tầng lớp trung lưu. “Tầng lớp trung lưu tin rằng nếu cố gắng xây dựng nhiều nguồn thu thì bạn sẽ phải ôm đồm quá nhiều việc cùng lúc”, Smith lý giải.